Cổ đông lớn thứ hai của FECON có thể thoái vốn sớm hơn cam kết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng ngày 27/4, Công ty CP FECON (mã chứng khoán: FCN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Trong nhiều tờ trình của HĐQT được thông qua, đáng chú ý là việc cho phép cổ đông lớn thứ hai của FECON là Quỹ đầu tư hạ tầng Red One được thực hiện thoái vốn mà không phải đợi đến ngày 25/11/2023 như cam kết ban đầu.
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP FECON sáng 27/4
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP FECON sáng 27/4

Được biết, Red One bắt đầu tham gia vào FECON khi thực hiện mua vào 16 triệu cổ phiếu FCN (tương đương 10,16% số lượng cổ phiếu lưu hành) trong đợt phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu của FECON vào ngày 26/11/2021. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Tỷ lệ sở hữu của Red One tại FECON hiện chỉ đứng sau cổ đông đến từ Nhật Bản, Công ty CP Raito Kogyo (25,51%). Red One được xem là mảnh ghép quan trọng cho hoạt động tài chính của FECON khi được giới thiệu sở hữu mạng lưới đối tác tài chính quốc tế hùng hậu. Ngay sau khi tham gia, Red One cũng đã cử ông Nguyễn Trần Đăng Phước tham gia HĐQT FECON. Ông Phước được giới thiệu là người có nhiều năm kinh nghiệm tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI) - những thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty CP Thiết bị điện GELEX.

Việc Red One có thể rút sớm khỏi FECON khiến nhiều cổ đông lo ngại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty trong thời gian tới.

Trước vấn đề này, Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa cho biết, Red One hỗ trợ tương đối tốt cho Công ty thời gian 17 tháng qua. Red One thuộc Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Đỏ (Red Capital), đã cử người vào HĐQT Công ty, giúp các thành viên có cái nhìn khách quan về tài chính, cấu trúc đầu tư. Đồng thời, tham gia vào để triển khai hệ thống quản trị OGSM và các cuộc họp Business Review hàng tháng.

"Trong lĩnh vực khá mới mà Công ty tham gia là bất động sản (BĐS), Red One đóng góp vào ý tưởng, quản lý, triển khai thế nào, cái nào ưu tiên. Red One cũng đã cam kết hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư lớn để FECON có thể có thêm các công việc thực hiện. Họ có quan hệ rất tốt với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng không có ảnh hưởng gì lớn", ông Phạm Việt Khoa chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Red One hiện cũng đang thay thế Công ty CP Đầu tư MHC, Công ty CP Xây dựng hạ tầng FECON (FECON S&C) và người có liên quan đến FECON là ông Phạm Trung Thành để trở thành cổ đông lớn sở hữu tới 30,11% cổ phần Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Một số cổ đông của Red One hiện nay là Red Capital (sở hữu 15,63%), Công ty CP MHC (15,63%), Công ty CP Thương mại và Đầu tư VI NA TA BA (9,38%),… Các nhân sự của Red Capital đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, M&A. Ngoài ông Nguyễn Trần Đăng Phước, có thể kể đến bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Red Capital - từng tham gia các thương vụ M&A các công ty Sotrans, Sowatco, Gelex, Vigracera… Được biết, bà Lan và ông Phước hiện là 2 ứng viên đang được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland).

Ngoài vấn đề cổ đông lớn Red One được thoái vốn khỏi FECON sớm hơn cam kết, một vấn đề khác mà các cổ đông quan tâm là kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo chia sẻ từ Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh, trong quý I/2023, Công ty ký hợp đồng mới giá trị khoảng 700 tỷ đồng; doanh thu tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 609 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng Backlog từ 2022 chuyển sang 2023 khoảng 2.500 tỷ đồng và dự kiến doanh thu từ các hợp đồng này trong năm nay là 1.800 tỷ đồng.

Chuyên đề