Cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025: Tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên họp chiều 29/10. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên họp chiều 29/10. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Báo cáo của Chính phủ đã điểm qua tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện Kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30 - 35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế đã được tập trung thực hiện. Pháp luật về đầu tư công được hoàn thiện; kế hoạch đầu tư công trung hạn được tập trung triển khai; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được nâng cao, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và nợ đọng xây dựng cơ bản. Cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hệ thống các tổ chức tín dụng được củng cố một bước, nâng cao năng lực quản trị; xử lý nợ xấu được chú trọng thực hiện; các ngân hàng cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo từng bước được xử lý.

Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được kết quả đáng ghi nhận. Quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước được cải thiện; bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP giảm so với giai đoạn trước, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Khu vực công được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện liên tục; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được chú trọng xây dựng. Thu hút đầu tư nước ngoài được thúc đẩy theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.

Thứ tư, công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế được triển khai thực hiện. Hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện. Liên kết ngành, vùng được thúc đẩy. Cơ cấu các ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.

Thứ năm, các loại thị trường được hình thành và phát triển. Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Thể chế phát triển thị trường quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện. Thị trường lao động được tăng cường thông qua dự báo, kết nối cung- cầu lao động. Thị trường khoa học và công nghệ sôi động hơn, giá trị giao dịch và số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng.

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm...

Chuyên đề