CNS quyết liệt thoái vốn ngoài ngành

(BĐT) - Hiện Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) chỉ tập trung đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chính gồm: chế biến tinh lương thực - thực phẩm; điện tử - bán dẫn, công nghệ thông tin; hóa chất - cao su, nhựa; cơ khí - chế tạo máy. Dựa trên định hướng này, hết quý I/2017, CNS đã thoái vốn xong 10 trong số 18 đơn vị.
Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đã hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Tường Lâm
Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đã hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Tường Lâm

Phải thoái vốn xong 18 đơn vị

Theo CNS, đơn vị này đang có kế hoạch sẽ cổ phần hóa (CPH) 3 doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước là công ty con của CNS. Cụ thể là Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung; Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghệ cao; Công ty TNHH Cao su Thống Nhất. Hiện CNS đã có Quyết định của UBND TP.HCM về việc thành lập Ban Chỉ đạo CPH DN CNS. Để thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo cũng đã thành lập Tổ giúp việc. Tổ giúp việc đã có buổi họp bàn và thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác CPH.

Theo kế hoạch đặt ra, CNS phải thực hiện thoái vốn tại 18 đơn vị. Đến hết quý I/2017, Tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ này tại 10 đơn vị.

Đối với các đơn vị còn lại, theo báo cáo của CNS, 1 đơn vị đã thu hồi vốn về bằng hợp đồng vay vốn; 1 đơn vị đã gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước bảng công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, với dự kiến thực hiện bán đấu giá vào ngày 28/3/2017; 1 đơn vị đã gửi công văn báo cáo UBND Thành phố về việc tăng vốn điều lệ và xin điều chỉnh giảm tỷ lệ thoái vốn của CNS.

Ngoài ra, có 1 đơn vị đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn; 1 đơn vị đang bổ sung hồ sơ để xác định lại giá trị DN tại thời điểm 30/9/2016; 1 đơn vị đang trong quá trình thực hiện bổ sung góp ý của các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh và phát hành dự thảo Chứng thư thẩm định giá trị DN; còn 3 đơn vị khác có đề xuất thêm về việc thoái hết vốn. 

Đề xuất gỡ khó trong thoái vốn

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV kiến nghị UBND TP.HCM  điều chỉnh giảm tỷ lệ thoái vốn của Công ty tại Công ty Sài Gòn - Đông Hà.
Mặc dù đang trong quá trình tiến hành thực hiện tái cơ cấu theo kế hoạch được duyệt, song CNS vẫn gặp phải một số vướng mắc trong việc thoái vốn tại một số công ty con như Công ty Sài Gòn - Đông Hà, Công ty CNC Sài Gòn.

Cụ thể, tại Công ty Sài Gòn - Đông Hà, sau khi đơn vị này triển khai phát hành cổ phiếu (CP) tăng vốn điều lệ, thời điểm CNS nhận được chủ trương phê duyệt của UBND Thành phố về nội dung này cũng là lúc hết thời hạn đăng ký mua, chuyển nhượng quyền mua dành cho các cổ đông hiện hữu đối với số lượng CP phát hành tại Công ty. Do đó, CNS không thể thực hiện chuyển nhượng quyền mua CP tại đơn vị này.

Việc thoái vốn tại Công ty Sài Gòn - Đông Hà cũng gặp nhiều khó khăn do giá phát hành CP của Công ty (10.000 đồng/CP) đang cao hơn so với giá trong phương án thoái vốn của CNS đã trình UBND Thành phố (7.200 đồng/CP). Trước đó, đã có 1 DN xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty từ năm 2015 với giá thẩm định thấp hơn giá phát hành CP hiện tại (8.300 đồng/CP) nhưng đến nay vẫn chưa bán được.

Từ thực tế nêu trên, CNS kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận đồng ý cho phép CNS không tiến hành tổ chức đấu giá quyền mua CP và điều chỉnh giảm tỷ lệ thoái vốn của CNS tại Công ty Sài Gòn - Đông Hà từ 9,35% xuống còn 7,76% vốn điều lệ.

Liên quan đến việc thu hồi vốn tại Công ty CNC Sài Gòn, CNS đã thu hồi vốn tại đây bằng hợp đồng vay có kỳ hạn, do đó việc thoái vốn chỉ còn là thủ tục rút tên ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, CNS đã tìm mọi cách liên lạc với cổ đông, quản lý của Công ty CNC Sài Gòn nhưng không tìm được trụ sở cũng như không liên lạc được với người quản lý hiện nay của Công ty nên không thực hiện được phương án thoái vốn tại đây.

Chuyên đề