Năm 2015, Cienco 1 gánh khoản lỗ 72,7 tỷ đồng từ các công ty liên kết, liên doanh. Ảnh: Lê Tiên
Gánh nặng công ty liên kết, liên doanh
Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 được công bố mới đây, Cienco 1 lãi ròng 76,8 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), giảm 16,2%. Trong năm 2015, Cienco 1 gánh khoản lỗ 72,7 tỷ đồng từ các công ty liên kết, liên doanh. Trong đó, riêng Công ty CP Xi măng Mai Sơn đã “tặng” Cienco 1 khoản lỗ gần 51 tỷ đồng.
Cienco 1 cho biết, năm 2015, Công ty đã thoái thành công 100% cổ phần tại 6 đơn vị và thoái một phần ở một đơn vị, thu lợi trên 25,7 tỷ đồng nhờ chênh lệch giá. Tuy nhiên, công ty này thừa nhận, vẫn có một số đơn vị chưa hoàn tất thoái vốn do chưa thống nhất mức giá.
Tổng tài sản cuối năm 2015 của Cienco 1 là 4.650 tỷ đồng, giảm 355 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục sụt giảm đáng kể nhất của Công ty trong 1 năm vừa qua là số dư tiền và tương đương tiền, từ mức 846,7 tỷ đồng xuống còn 312 tỷ đồng (giảm 535 tỷ đồng).
Mặc dù lợi nhuận được duy trì, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2015 của Cienco 1 đã âm tới 667,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, dòng tiền này của Công ty đạt 790 tỷ đồng. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến số dư tiền và tương đương tiền của Cienco 1 cuối năm 2015 giảm sâu đến vậy.
Như rất nhiều công ty xây lắp khác, tỷ trọng nợ/tổng tài sản của Cienco 1 tương đối cao, đạt 81,89% tại thời điểm cuối năm 2015. Nợ phải trả lên tới 3.808 tỷ đồng, tuy nhiên nợ vay ngắn và dài hạn của Công ty chỉ ở mức 513 tỷ đồng. Do vậy, chi phí tài chính chưa phải là gánh nặng đáng kể cho Cienco 1. Công ty đang chiếm dụng vốn nhà cung cấp 1.863 tỷ đồng (phải trả người bán ngắn hạn), đồng thời cũng bị khách hàng chiếm dụng vốn (phải thu ngắn hạn của khách hàng) một con số tương đương, khoảng 1.858 tỷ đồng.
Trong năm 2015, Cienco 1 đã rót thêm gần 100 tỷ đồng vào Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, đầu tư lần lượt 80 tỷ đồng và 21 tỷ đồng vào các dự án BOT Bạch Đằng và BOT đường tránh Thanh Hóa. Cienco 1 cho biết, các khoản đầu tư nói trên được đánh giá theo kế hoạch đầu tư, xây dựng và vận hành dựa trên giấy phép hoạt động tại các dự án giao thông mà Công ty tham gia đầu tư.
Đánh giá tình hình hoạt động năm 2015, HĐQT Cienco 1 cho biết, những dự án trái phiếu chính phủ trong ngành giao thông vận tải đã tạo được nguồn công việc lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ và gây lãng phí. Ở một số dự án, chủ đầu tư chậm thanh toán, quyết toán, điều chỉnh giá làm ảnh hưởng đến dòng tiền của Công ty. Tình hình này thể hiện tương đối rõ ràng trên báo cáo tài chính mà chúng tôi vừa phân tích.
Chuẩn bị “lên sàn”
Năm 2016, Cienco 1 đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.500 tỷ đồng và 72 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức giữ nguyên mức 9% như năm 2015, được chi trả bằng tiền mặt. Vì vậy, phần lớn lợi nhuận đạt được của Cienco 1 (87,5%) sẽ được chia cho các cổ đông. Công ty vẫn chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Được biết, giá trị thắng thầu rất thấp của Cienco 1 năm 2015 (hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 39% kế hoạch năm) đã tạo ra rất nhiều áp lực đối với hoạt động tìm kiếm công việc trong năm 2016, tạo quỹ công việc trong năm 2016 và các năm sau. Trong năm nay, ngoài việc tích cực tìm kiếm việc làm từ các gói thầu, Cienco 1 sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ, cải thiện dòng tiền. Cienco 1 cho biết, giá trị thắng thầu cần thiết cho năm 2016 ở vào khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, năm 2015, Cienco 1 là nhà thầu trúng thầu nhiều thứ 2 (18 gói thầu), chỉ thua Cienco 4 với 27 gói thầu. Đây là thống kê dựa trên kết quả mời thầu các dự án xây dựng hạ tầng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư. Với Cienco 1, Bộ Giao thông vận tải đã thoái toàn bộ vốn sau cổ phần hóa. Hiện cổ đông lớn của Công ty là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.