Chuyển hóa sức mạnh quốc tế để tự cường trong hội nhập kinh tế

Quá trình hội nhập kinh tế trong 20 năm qua đã cho Việt Nam nhiều bài học quý báu để vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập sâu, rộng.
Việt Nam tranh thủ các nguồn lực để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới
Việt Nam tranh thủ các nguồn lực để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới

Trong quá trình hội nhập, tự cường - tự làm cho mình mạnh lên - bao hàm cả nghĩa rộng hơn, là biết tranh thủ những nguồn lực bên ngoài, chuyển hóa sức mạnh quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Giáo sư Vũ Dương Ninh nhận xét, những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập bằng ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Trước đây nói đến ngoại giao là ta nghĩ đến ngoại giao chính trị nhưng bây giờ ta nói đến ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế đã phối hợp với các cơ quan kinh tế giúp chúng ta thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp, ODA, mở rộng thị trường lao động, thị trường thương mại. Những cái đó, ngoại giao đã phát triển rất tích cực với đường lối rất đúng là phát triển ngoại giao kinh tế trên mặt trận ngoại giao chung,” GS. Vũ Dương Ninh nói.

Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng của nước nhà, nhà báo Hà Đăng, Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng, nếu không biết tận dụng và kết nối sức mạnh bên ngoài và nguồn lực bên trong một cách hợp lý thì hội nhập sẽ khó có thể mang đến những thuận lợi như kỳ vọng.

Ông Hà Đăng nhấn mạnh: “Cái mình muốn là thực hiện cuộc hội nhập lớn để tranh thủ sức mạnh bên ngoài để hỗ trợ sức mạnh bên trong. Phải kết hợp hai sức mạnh ấy để tiến lên. Sự thực kinh tế Việt Nam đã phát triển khá, hội nhập cũng khá nhưng so với các nước chúng ta vẫn còn yếu, mà lực bên trong yếu thì ko thể dùng lực đó để làm lực đẩy cho tranh thủ bên ngoài.”

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Võ Đại Lược chỉ ra một thực tế, Việt Nam vẫn chưa đạt được sự cân xứng giữa hai yếu tố ngoại lực và nội lực.

“Chúng ta ký rất nhiều FTA, bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm hàng rào thuế quan dần dần bằng 0 tức là hàng rào bảo hộ sẽ không còn nữa. Tức là đặt nền kinh tế của chúng ta đối diện với các nền kinh tế mà chúng ta ký kết. Xem như nền kinh tế của chúng ta đã mở cửa với hầu hết các nền kinh tế, mở là tốt. Nhưng mở đi kèm với cạnh tranh và chúng ta phải đối diện với họ".

Vấn đề ở đây là năng lực cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mà là cạnh tranh giữa chính phủ với các chính phủ. Thể chế của chúng ta với các nước, giữa người lao động…. Việt Nam thì giỏi không thua kém gì nhiều, nhưng về nhiều mặt chúng ta vẫn còn bất cập, ông Võ Đại Lược nói.

Theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA), nội lực chính là đường lối chính sách. Việt Nam cần thay đổi tư duy làm ăn kinh tế. Thay đổi này phải được cụ thể hóa trong chính sách mới có thể đưa đất nước chủ động tự điều tiết được trong dòng chảy hội nhập; qua đó, tận dụng những cơ hội cho mình.

“Muốn biến đổi trong dòng chảy đó, từ thay đổi tư duy nhận thức phải có hệ thống luật pháp để làm sao người dân được tự do kinh doanh, làm ăn làm giàu khoog bị chèn ép, xin chỗ này xin chỗ kia, thuế nọ phí kia. Quan trọng là người dân phải hào hứng để tập trung trí tuệ, nội lực làm giàu, dân có giàu thì nước mới mạnh,” ông Nguyễn Đình Lương khẳng định. 

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ là những định hướng mang tính nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập mà Việt Nam cần phải thay đổi trong tư duy, thể chế, chính sách để tự tin hội nhập với thế giới và không bị thiệt trên sân chơi chung ấy.

Chuyên đề