Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Mục tiêu cao, thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các con số mục tiêu trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng không dễ thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Trong đó, thách thức chủ yếu là thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân, nâng cao độ tin cậy về tính bảo mật và sự thuận tiện của dịch vụ ngân hàng số.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện qua các kênh số. Ảnh: Lê Tiên
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện qua các kênh số. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một số chỉ tiêu đáng chú ý là đến năm 2025, ít nhất có 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Các con số này của năm 2030 đều là 80%.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các mục tiêu này không hẳn là tham vọng nếu ngành ngân hàng và các cơ quan có liên quan cùng phối hợp thực hiện một cách hiệu quả. Thực tế, quá trình chuyển đổi số đã được ngành ngân hàng tiến hành từ nhiều năm qua và gặt hái những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhiều người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng ngân hàng điện tử, một phần do thu nhập chưa cao và các phương tiện thanh toán chưa hẳn là tiện lợi. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa tin cậy vào khả năng bảo mật của hệ thống ngân hàng nên nghi ngại khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Từ phía cơ quan điều hành, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, để đưa ra các chỉ tiêu trên, NHNN đã có quá trình theo dõi, nắm bắt thực trạng chuyển đối số tại các tổ chức tín dụng và tiến hành khảo sát trong toàn ngành. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn.

Số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh, trong đó, mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với năm 2019 là 114% về số lượng và 118% về giá trị; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch. NHNN cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức. Đó là thách thức về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Tiếp đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các hạ tầng kỹ thuật tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Thêm vào đó, thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; bảo đảm an ninh, an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số cũng là thách thức rất lớn.

Từ việc xác định được các thách thức nói trên, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp để dần tháo gỡ và giải quyết. Đó là nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa và các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Bên cạnh đó, mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số. Nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Anh, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công kế hoạch này, NHNN đã kiến nghị Chính phủ một số nội dung.

Đó là, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan. Ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng. Sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có cơ chế cho phép ngành ngân hàng kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Chuyên đề