Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sẽ góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Nội dung này được nhiều ý kiến nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế trực tuyến “Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội (ASXH) cho người dân” diễn ra sáng 4/11 do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức.

Hội thảo nhằm giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin (CNTT) nổi bật giai đoạn 2016-2021 của ngành BHXH Việt Nam và tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế về định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực CNTT của Ngành trong giai đoạn 2021-2025. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội thảo.

Trong giai đoạn 2016-2021, theo đánh giá của nhiều bộ ngành, chuyên gia trong và ngoài nước, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin.

Để đạt được kết quả đáng ghi nhận đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.

Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.

“Mỗi năm, Cổng giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 70 triệu hồ sơ. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi cán bộ BHXH sẽ phải giải quyết hơn 4 nghìn hồ sơ mỗi năm”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, đến nay, sau gần 1 năm công bố ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên thiết bị di động với việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cả nước đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt.

Mặt khác, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm - 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung CSDL chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Qua đánh giá mục tiêu của kế hoạch về việc phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, BHXH Việt Nam mong muốn sẽ được trao đổi, hợp tác để xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân và người lao động”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA), Cơ quan Phúc lợi và Đền bù cho người lao động, Cơ quan Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc cùng một số chuyên gia đến từ một số doanh nghiệp có thế mạnh về ứng dụng CNTT đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận về vấn đề như: Bảo mật thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ngành BHXH Việt Nam; xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH đối với ngành BHXH Việt Nam; ứng dụng công nghệ VNPT trong chuyển đổi số cho BHXH Việt Nam.

Đồng thời, đại diện một số cơ quan, tổ chức cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế đã triển khai về: ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro của Cơ quan BHYT Thái Lan; chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH của Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu lĩnh vực ASXH…

Trong đó, khuyến nghị về những trọng tâm chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025, ông Đỗ Hồng Đức – chuyên gia về CNTT cho rằng, trong thời gian tới, ngành BHXH cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn và tư duy chuyển đổi số hành trình, chuyển đổi BHXH Việt Nam thành một tổ chức hướng dữ liệu (Data-driven). Đồng thời xây dựng văn hóa tổ chức số (digital culture) trong toàn bộ BHXH các cấp. Không chỉ cán bộ BHXH, mà cả khách hàng của BHXH cũng cần được nâng cao kỹ năng số (digital skills). BHXH Việt Nam cần chú trọng nuôi dưỡng tư duy đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống, học tập và tổ chức mô hình thử nghiệm, triển khai các giải pháp đột phá. Đặc biệt, BHXH Việt Nam phải coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, khả năng chia sẻ dữ liệu, khuyến khích sử dụng dữ liệu mở BHXH cho mọi đối tượng. Ngoài ra, an toàn dữ liệu cũng cần được quan tâm, tăng cường an ninh bảo mật.

Chuyên đề