Chững lại trào lưu phát hành thêm cổ phiếu

(BĐT) - Phát hành thêm cổ phiếu (CP) là cơ hội huy động vốn đối với cả doanh nghiệp, đồng thời là cơ hội kiếm lời dành cho cổ đông đại chúng. 1 trong 2 mục đích này nếu không được thực hiện thì chương trình phát hành thêm thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Cổ phiếu LIG của Công ty CP Licogi 13 đã từ lâu thấp hơn mệnh giá. Ảnh:Vũ Hà Duy

Từ chuyện của Licogi 13

Cuối tuần trước, Công ty CP Licogi 13 (mã chứng khoán LIG) thông báo kết quả chương trình phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ phát hành lên tới 10:12 (mỗi cổ đông sở hữu 10 CP sẽ có quyền mua thêm 12 CP), giá phát hành 10.000 đồng/CP, chỉ có chưa đến 6 triệu trong số 25,3 triệu CP được các cổ đông hiện hữu đăng ký mua.

Không bất ngờ khi giá thị trường của LIG đã từ rất lâu thấp hơn mệnh giá, dưới 7.000 đồng/CP. Việc bỏ tiền ra mua CP phát hành thêm với mức giá 10.000 đồng/CP là một hành động vô cùng kỳ lạ. Cuối cùng, Licogi 13 phân phối thêm 15,7 triệu CP cho 9 cá nhân, tỷ lệ phát hành thành công đạt 85,56%, tương đương 21,7 triệu CP đã được trao tay.

Hiện tại, LIG đang được giao dịch với mức giá xung quanh 6.300 đồng/CP. Với 21,7 triệu CP được “mua đắt”, nhà đầu tư đã “lỗ” ngay 80 tỷ đồng sau khi CP được trao tay!

Câu chuyện phát hành thêm theo “công thức” của LIG cực kỳ phổ biến trong vài năm trở lại đây. Chỉ khác một chỗ, cách đây một vài năm, dường như có một lực hấp thụ khổng lồ, hầu hết các chương trình phát hành thêm ngược đời như vậy đều thành công 100%. Hàng loạt doanh nghiệp đã tăng vốn siêu tốc theo cách này. 

Trào lưu đang chững lại?

LIG không phải là trường hợp điển hình nhất. Vừa mới đây, Công ty CP Tập đoàn FLC cũng chào bán 179,6 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP, tham vọng thu về 1.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi giá thị trường của FLC chỉ quanh quẩn mức 5.500 đồng - 6.000 đồng/CP, chỉ có 23,6 triệu CP được cổ đông hiện hữu đăng ký mua. Cộng với 84,6 triệu CP được FLC “xử lý” bằng cách tái phân phối, kết quả công ty này vẫn “ế” 71,4 triệu CP, tỷ lệ phát hành thành công đạt 60,22%. FLC nổi tiếng với tốc độ tăng vốn thần kỳ thông qua các đợt phát hành thêm bằng nhiều hình thức. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty có vẻ chưa tương xứng khiến FLC mặc dù là một trong những CP “nóng” nhất thị trường, mức giá vẫn khó bứt phá.

Câu hỏi đặt ra giờ đây không phải là vì sao những chương trình phát hành thêm “ngược đời” nói trên không thành công 100% như trước, mà là tại sao vẫn còn có những nhà đầu tư sẵn lòng bỏ tiền ra mua CP giá cao một cách vô lý như vậy?
Ở một doanh nghiệp khác, Công ty CP Tasco (mã chứng khoán HUT), cũng đành chấp nhận “ế” tới 49,3 triệu CP trong đợt phát hành thêm trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2016. Tỷ lệ phát hành thành công chỉ đạt 45% mặc dù Công ty đã tìm cách tái phân phối cho các đối tượng ngoài cổ đông hiện hữu.

Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) cuối tháng 7 vừa qua đã chính thức thông báo dừng chương trình phát hành thêm 98,75 triệu CP cho cổ đông hiện hữu mà ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 3 đã thông qua. Nguyên nhân chào bán bất thành, cũng như dừng chương trình phát hành thêm, khi được hỏi đều được trả lời một cách ngắn gọn và… dễ hiểu: Diễn biến thị trường không phù hợp.

Thị trường đã “khôn” hơn?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về hiện trạng này, ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank - Chi nhánh TP.HCM cho rằng, trước kia khi thị trường tốt, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn vào các đợt phát hành thêm theo “công thức” nói trên. Tuy nhiên, những bài học thị trường trong 1 năm trở lại đây đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Trên thực tế, sau phát hành, CP các doanh nghiệp có thể có những con sóng lên “ăn theo”. Nhưng điều đó không duy trì được lâu. Việc phát hành thêm làm CP ngày càng pha loãng và giảm giá, cổ đông khó có thể tìm kiếm lợi nhuận. Ngay cả các nhà đầu tư cá nhân mà các doanh nghiệp chọn để bán CP “ế” cũng trở nên dè dặt với diễn biến thị trường và không còn ham hố mua vào CP giá đắt.

Câu hỏi đặt ra giờ đây không phải là vì sao những chương trình phát hành thêm “ngược đời” nói trên không thành công 100% như trước, mà là tại sao vẫn còn có những nhà đầu tư sẵn lòng bỏ tiền ra mua CP giá cao một cách vô lý như vậy?

Chuyên đề