Hành lang thoát hiểm tại Thăng Long Garden bị chiếm dụng làm nhà trẻ. Ảnh: Trần Nam |
Mỗi năm một vụ cháy lớn
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Hồng Hải - thành viên Ban quản trị do cư dân Thăng Long Garden bầu lên cho biết, từ năm 2014 đến nay, chung cư này đã xảy ra hàng loạt vụ cháy. Tính sơ bộ, không kể những vụ chập cháy nhỏ lẻ, có 5 vụ cháy lớn tại tầng 7 tòa nhà A3 (2 lần), tầng 15 tòa nhà A2 (năm 2015), tầng 18 tòa nhà A3, tầng 12B tòa nhà A2 (ngày 1/5/2018). Trong số đó, có 2 vụ cháy được báo cho cơ quan PCCC đến dập lửa. Hầu hết các vụ cháy đều do chập điện gây ra.
Hiện trường vụ cháy phòng kỹ thuật điện còn sót lại. Ảnh: Trần Nam
Vẫn chưa hoàn hồn sau vụ cháy rạng sáng ngày 1/5/2018 (khoảng 2h30), bà Trần Thị Tư tường thuật với phóng viên Báo Đấu thầu: “Đêm đó, cả gia đình 5 người, có cả người già và 2 trẻ nhỏ, đang ngủ say thì nghe tiếng đập cửa liên tục. Con trai tôi chạy ra mở cửa thì khói đen đặc cả hàng lang, đèn tối om, anh bảo vệ tên là Tuấn hoảng loạn hét lớn: “Cháy đấy, chạy mau!”. “Cả nhà cứ người không mà chạy, sấp ngửa xuống tầng 1 bằng cầu thang bộ. Chân nhíu đi không bước được vì sợ...”.
Đưa phóng viên Báo Đấu thầu đi tìm hiểu một vòng chung cư này, anh Tiến, một nhân viên kỹ thuật của chung cư Thăng Long Garden chỉ cho chúng tôi thấy, chất lượng của đường dây điện ở đây rất kém, rủi ro chập điện gây cháy là vô cùng lớn. Mặc dù dây diện to bằng ngón tay út nhưng lõi của 2 dây bên trong lại rất nhỏ, chỉ là nhôm mạ đồng, xuất xứ từ Trung Quốc. Không chỉ ở nơi xảy ra 5 vụ cháy nêu trên, tầng hầm của chung cư hiện vẫn còn nguyên tình trạng nhiều đoạn dây điện, bóng đèn chập cháy đen ngòm cả một mảng trần.
Hệ thống báo cháy để làm cảnh
Khi chúng tôi nhắc đến hệ thống báo và chữa cháy của chung cư, hầu hết của những người dân ở đây mà chúng tôi gặp đều lắc đầu ngán ngẩm trả lời “có mà như không”.
Bà Nguyễn Hồng Hải cho biết, khi mới chuyển đến chung cư này, mấy tháng đầu hệ thống báo cháy tự động kêu liên tục dù không có cháy, nên Chủ đầu tư ngắt. Từ đó cho đến nay, tức là gần 5 năm, hệ thống gần như không hoạt động, xảy ra chập cháy nhưng không thấy báo động.
“Hú hồn. May là hôm đó, anh bảo vệ đi kiểm tra các tầng thì phát hiện ra cháy, khói bốc ra nghi ngút từ hệ thống điện kỹ thuật nên chạy vào từng nhà đập cửa báo cháy, chứ hệ thống PCCC nào có hoạt động. Thậm chí, tủ đựng bình cứu hỏa bị kẹt, phải đạp mạnh mới lấy được bình cứu hỏa phun dập lửa...”, bà Tư kể.
Ngoài ra, cư dân ở đây còn cho biết, việc lắp đặt thiết bị báo cháy tự động ở đây cũng không đồng bộ, nơi có nơi không, nơi có nhưng lại không hoạt động. Các họng cứu hỏa, theo anh Tiến, hầu như không có nước. Một số đèn chỉ dẫn thoát nạn tại tầng hầm cũng không sáng...
Cửa hầm 1 nhà A3 bị khóa bịt lối đi. Ảnh: Trần Nam
Chưa hết, theo bà Nguyễn Hồng Hải, hành lang thoát hiểm và 1/4 cầu thang bộ để thoát hiểm của tòa nhà A3 đều bị Chủ đầu tư lấn chiếm, bịt lối để cho thuê làm nhà trẻ. Ở tầng hầm, thiết kế là 3 cửa ra vào nhưng bị Chủ đầu tư bịt mất một cửa, vì sợ tốn chi phí thuê bảo vệ trông coi. Không những vậy, theo quy định về an toàn cháy nổ, tường phải là tường xây; cửa buồng bơm, cửa buồng máy hút khói, phòng kỹ thuật... phải là cửa chống cháy, nhưng Chủ đầu tư lại toàn quây tôn, sử dụng cửa nhôm kính. Tầng 26 tòa nhà A3, nơi để hệ thống điều khiển thang máy, không có hệ thống PCCC 1/2 lối ra vào Chung cư cũng bị Chủ đầu tư chiếm dụng, phần thì quây tôn, bịt kín để cho thuê cửa hàng kinh doanh; phần thì làm bãi trông giữ xe, chật cứng cả lối đi...
Tất cả những điều bất cập trên đều được cư dân phản ánh rất lâu rồi, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính nhưng đâu vẫn hoàn đấy, Chủ đầu tư bao năm nay vẫn dửng dưng như không.
Gần đây nhất là vào ngày 29/3/2018, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 thuộc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại Thăng Long Garden và có kết luận, trục kỹ thuật của các tầng hầm chưa có giải pháp ngăn cháy lan theo chiều dọc; máy bơm chữa cháy không hoạt động và không có nguồn điện ưu tiên phục vụ máy bơm chữa cháy...
Cơ quan này yêu cầu, Chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc bảo dưỡng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống hút khói tầng hầm và hàng lang, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn đã hỏng; thay thế các tay có thủy lực va lắp đặt hệ thống tăng áp tại phòng đệm khu vực và máy tầng hầm 1. Các hoạt động tại khu vực tầng hầm 1, 2 và tầng 1, 2 phải dừng ngay và chỉ được phép hoạt động lại khi thực hiện xong các yêu cầu trên và có xác nhận của cơ quan cảnh sát PCCC. Thời hạn hoàn thành là trước ngày 30/4/2018.
Tuy nhiên, đến ngày 2/5, tức là đã quá thời hạn theo yêu cầu của cơ quan chức năng, quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu tại hiện trường cho thấy, các khu vực tầng hầm 1, 2 và tầng 1, 2 vẫn hoạt động bình thường, trong khi các công việc sửa chữa, khắc phục vẫn đang dở dang, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động chưa hoạt động. Hệ thống hút khói tầng hầm chưa lắp đặt xong. Đèn chỉ dẫn thoát nạn chưa được thay mới...