Chuẩn bị nhân lực cho phát triển kinh tế số: Chậm trễ sẽ mất cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 tạo ra cú hích thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người sử dụng lao động và người lao động. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) chậm trễ trong ứng dụng công nghệ số, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Lê Tiên

Tại Diễn đàn đối thoại đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang định hình lại và chuyển đổi kỹ năng cần thiết của nhiều ngành nghề. Ngoài kỹ năng công nghệ, kỹ thuật, còn yêu cầu kỹ năng tương tác, kỹ năng mềm…

Quá trình phân phối việc làm giữa các lĩnh vực thời gian qua cho thấy, có sự chuyển dịch về hình thức, gia tăng công việc mới có tính phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao hơn, nhiều phương thức làm việc mới…

Theo ông Choi JooHo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 xảy ra trong 2 năm qua không chỉ gây khó khăn cho nền kinh tế thế giới, mà còn đặt ra những thách thức chưa từng có đối với những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đã tạo dựng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh đó cũng mang lại nhiều cơ hội mới cho người lao động, đặc biệt là nhóm đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển, từ đó đóng góp tích cực, hữu ích, cùng chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, nghị quyết về việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ thị trường lao động..., mới đây là Chiến lược phát triển kinh tế số.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Theo kết quả một cuộc khảo sát của VCCI và Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), có tới 42,7% DN tham gia khảo sát chưa chuẩn bị về lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ có 6% DN tham gia khảo sát cho biết đã lên kế hoạch và đang triển khai có kết quả.

Nguyên nhân được chỉ ra là thiếu sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và DN; do DN đang sử dụng công nghệ sản xuất đơn giản nên chưa có nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động; đa số DN có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế cả về tài chính và nhân sự nên chưa thể tham gia quá trình đào tạo.

Nhóm nghiên cứu của VCCI và LIGHT khuyến nghị, Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đặt ra của cách mạng công nghiệp 4.0; có chính sách thúc đẩy đào tạo chuỗi cung ứng để chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo… Bản thân người lao động cần tăng cường tiếp cận thông tin chủ động, từ đó thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các kỹ năng 4.0 và lộ trình chuyển đổi, nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu, tiềm năng của bản thân.

Để phù hợp với bối cảnh mới, theo ông Phạm Tấn Công, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chủ thể, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong nền kinh tế số bao trùm, mang lại cả giá trị kinh tế và giá trị nhân văn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ sử dụng lao động có vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm cải thiện và nâng cao kỹ năng của người lao động tương thích với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, trong đó phát huy vai trò dẫn dắt của các tập đoàn, DN lớn…

Theo ông Trương Anh Dũng, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là vấn đề nhận thức, thay đổi thói quen. Có 3 việc cần phải làm ngay là: khảo sát, nắm bắt và xác định nhu cầu kỹ năng trong tương lai; cập nhật kỹ năng mới (hiện có tới 50 - 60 kỹ năng mới trong nền kinh tế số); nâng cao kỹ năng số cho cả người dạy và người học.

“Chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, để “không bị bỏ lại phía sau”, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Chuyên đề