“Mở khóa” tiềm năng kinh tế số Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD (tương đương 27% GDP năm 2020) cho Việt Nam vào năm 2030. Để hiện thực hóa được cơ hội này, tại Hội thảo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số với dân số trẻ, có học thức, am hiểu công nghệ và là nền kinh tế có Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số với dân số trẻ, có học thức, am hiểu công nghệ và là nền kinh tế có Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á. Ảnh: Lê Tiên

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), sự xuất hiện của Internet kết nối vạn vật đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và của cả nền kinh tế. Xu hướng số hóa hay chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Với nhiều quốc gia, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng.

Tại Việt Nam, xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế số, chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến vấn đề này với mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Hiện thực hóa chủ trương và mục tiêu đề ra, thời gian qua, Chính phủ quyết tâm, nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: “Cách đây 2 năm tôi mới đến Việt Nam, lúc ấy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa số hóa nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, DN Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt về số hóa với 60% DN sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; trên 2.000 thủ tục hành chính đã thực hiện trực tuyến...”.

Báo cáo Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam do Google thực hiện cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số với dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ. Cụ thể, 70% công dân dưới 35 tuổi; hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam cũng là nền kinh tế có Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia).

Theo nhóm nghiên cứu của Google, 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam như: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo; công nghệ tài chính; Internet kết nối vạn vật và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp. Những công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các DN và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đại dịch…

Mặc dù được đánh giá có tiềm năng lớn, song nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những rào cản để đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Đó là các quy định pháp lý chưa đồng bộ, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số trong khi chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 việc làm hiện có ở Việt Nam…

Theo đó, để giải bài toán này, nhóm nghiên cứu của Google cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột để nắm bắt tối đa cơ hội phát triển kinh tế số. Trước hết là phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước bằng việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.

Thứ hai, Chính phủ cần tập trung vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.

Ba là, phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. “Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới”, Google khuyến nghị.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, để thúc đẩy kinh tế số thì Chính phủ hãy là người dùng lớn nhất để có thể chia sẻ dữ liệu. Các dữ liệu này phải được quản lý tập trung, phải được khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển.

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đang thực hiện Chương trình chuyển đổi số cho DN giai đoạn 2021 - 2025… Ở góc độ đào tạo nguồn nhân lực, PGS. TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, từ năm 2019, Học viện đã mở ra các chuyên ngành kinh tế và kinh doanh số; chuyên ngành phân tích đào tạo dữ liệu lớn trong kinh tế số và kinh doanh… Tất cả những giải pháp này đã và đang được tích cực triển khai để “mở khóa” tiềm năng kinh tế số, đưa đất nước phát triển bền vững.

Chuyên đề