Chưa đáng lo về rủi ro bong bóng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dòng vốn giá rẻ sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong khi sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn còn thấp dấy lên nghi ngại về rủi ro bong bóng tài sản tài chính tại một số nước trên thế giới.
Giá bất động sản khá ổn định do giới đầu tư vẫn vững về nguồn lực tài chính. Ảnh: Lê Tiên
Giá bất động sản khá ổn định do giới đầu tư vẫn vững về nguồn lực tài chính. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các dòng vốn tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt nên chưa đáng ngại, cần tiếp tục lưu tâm và dự phòng giải pháp ứng phó khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế, lớn nhất hiện nay là Covid-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, cần hết sức lưu tâm vấn đề này”.

Xem xét vấn đề này từ diễn biến trên các thị trường tài sản ở Việt Nam cho thấy có một số điểm đáng chú ý. Trên thị trường chứng khoán, dù nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn song chỉ số VN-Index vẫn đạt mức tăng ấn tượng trong tháng 8 và giữ đà tăng trong nửa đầu tháng 9. Kết thúc tháng 8, VN-Index đạt 881,65 điểm, tăng 10,4% so với tháng trước đó. Trong nửa đầu tháng 9, chỉ số này tiếp tục tiệm cận mốc 900 điểm. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí cao hơn trước thời điểm bùng phát dịch.

Trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá bán tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá bán tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020.

Lý giải về việc giá bất động sản không giảm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE cho biết, nguồn cung thị trường từ năm 2019 đã giảm mạnh nhưng nhu cầu thị trường vẫn tăng. Sang năm 2020, dịch bệnh bùng phát khiến các dự án không triển khai được nhưng nhu cầu nhà ở luôn cao nên các chủ đầu tư vẫn giữ giá. Mặt khác, mặt bằng giá đất bình quân chung không giảm nên các chủ đầu tư phát triển dự án chưa có xu hướng giảm giá bán.

Còn theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá bất động sản không giảm là do nhiều nhà đầu tư đã lường trước năm 2020 là một năm khó khăn nên đã chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư dài hơi. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên thị trường bất động sản vẫn trụ vững.

Nhìn từ góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, chưa có dấu hiệu về rủi ro của bong bóng tài sản ở Việt Nam. “Dấu hiệu nhận biết rủi ro là giá tài sản tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn và có xu hướng chuyển vốn ồ ạt từ kênh đầu tư nọ sang kênh đầu tư kia. Trong khi đó, từ lúc Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 đến nay, giá các loại tài sản tăng rất yếu. Chỉ số VN-Index vẫn chưa vượt qua ngưỡng 900 điểm. Giá bất động sản khá ổn định do giới đầu tư vẫn vững về nguồn lực tài chính. Hơn nữa, chưa thấy biểu hiện về việc chuyển vốn từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư tài sản rủi ro. Dù vậy, vẫn nên quan sát kỹ chỉ báo trên các thị trường tài sản và sẵn sàng các giải pháp ứng phó khi có dấu hiệu bất thường”.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với các nước đang thực hiện gói chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ lên đến 17 - 18% GDP, việc đề phòng rủi ro bong bóng tài sản là cần thiết ở thời điểm hiện nay.

“Với Việt Nam, đánh giá theo khung phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (dựa trên nhiều tiêu chí biến động của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước…) cho thấy, sức chịu đựng rủi ro tài chính của Việt Nam là trung bình khá. Tức là, cần quan tâm đến rủi ro tài chính và bong bóng tài sản nhưng chưa đến mức đáng lo. Chúng ta vẫn có thể chấp nhận tăng chi tiêu công, tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ để hồi phục kinh tế, song không chấp nhận giải ngân bằng mọi giá và luôn chú trọng giám sát hiệu quả thực hiện”.

Chuyên đề