Đấu thầu là cơ chế tối ưu để lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực phát triển các dự án điện mặt trời. Ảnh: Trung Thành |
Đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Quyết định khi được ban hành sẽ thay thế một phần Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT vốn đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo lần này là việc phát triển dự án điện ĐMT sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để xác định giá phát điện cho các dự án ĐMT tại Việt Nam. Như vậy, cơ chế giá FIT thực hiện nhiều năm trước đó sẽ được bãi bỏ.
Cụ thể, theo Điều 3 Dự thảo Quyết định, cơ quan soạn thảo đề xuất, định kỳ trước ngày 30/9 hàng năm, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức xây dựng và ban hành khung giá phát ĐMT để áp dụng cho dự án vận hành thương mại vào những năm tiếp theo. Nhà đầu tư được cấp thẩm quyền chấp thuận thực hiện dự án đầu tư hoặc nhà đầu tư trúng thầu thực hiện đàm phán giá điện với bên mua để xác định giá điện áp dụng cho dự án ĐMT tại điểm đấu nối trên cơ sở khung giá ĐMT theo phương pháp xác định giá phát điện và hợp đồng bán điện mẫu do Bộ Công Thương quy định.
Giá điện áp dụng đảm bảo nguyên tắc: giá điện đề xuất bằng tiền Việt Nam (đồng/kWh); phương pháp xác định giá điện và thời gian áp dụng phù hợp quy định về phương pháp xác định giá điện do Bộ Công Thương ban hành.
Theo đó, căn cứ vào khung giá phát ĐMT được Bộ Công Thương ban hành, trong hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà đầu tư đề xuất tỷ lệ giảm giá bán điện tối thiểu so với giá trần tại khung giá phát điện. Tỷ lệ giảm giá tối thiểu đề xuất đã phải bao gồm thư giảm giá và các điều chỉnh sai sót, sai lệch (nếu có). Nhà đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và có đề xuất tỷ lệ giảm giá nhiều nhất so với giá trần được xếp hạng thứ nhất và được kiến nghị lựa chọn trúng thầu.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, chuyên gia về hệ thống điện cho rằng, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư là một cơ chế tốt. Đấu thầu sẽ phát huy được tính cạnh tranh và đưa giá điện về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, theo ông Long, cơ chế đấu thầu với tính cạnh tranh cao sẽ đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, tài chính tốt để thực hiện dự án hiệu quả.
Bày tỏ sự ủng hộ cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐMT, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đấu thầu giá ĐMT giúp ngăn tình trạng phát triển ồ ạt dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải như vừa qua. Thông qua cơ chế này, chúng ta chọn được nhà đầu tư uy tín, đảm bảo dự án thành công cao hơn và tránh những rủi ro dễ xảy ra về chất lượng, môi trường trong tương lai.
Để bảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư phát triển các dự án ĐMT thực sự có năng lực, Dự thảo Quyết định quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐMT được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.