Chờ thêm quyết sách kịp thời cho phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cũng như các doanh nghiệp (DN) trong nước, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đánh giá cao những nỗ lực giải quyết khó khăn, đồng hành của Chính phủ Việt Nam, nhiều DN FDI thể hiện sự lạc quan về tương lai, tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Các hiệp hội DN FDI khẳng định, vaccine là yếu tố then chốt, là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Các hiệp hội DN FDI khẳng định, vaccine là yếu tố then chốt, là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư tiếp tục giữ lòng tin

Tuần qua, tại một hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, Tập đoàn LG đã rót thêm 1,4 tỷ USD vào Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng cho Dự án LG Display Hải Phòng (đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ) nâng tổng vốn đầu tư Dự án lên 4,65 tỷ USD. Ông Lê Anh Quân cho biết, Tập đoàn LG tiếp tục có nhu cầu đầu tư tại Hải Phòng, dự kiến thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ.

Ngày 19/9/2021, tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), vốn đầu tư 8.382 tỷ đồng, do Tập đoàn Jinko Solar (Hồng Kông) đầu tư. Tháng 3/2021, Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, vốn đầu tư 11.499 tỷ đồng..

Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhiều nhà đầu tư lớn đã quyết định đầu tư tại Việt Nam, như Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD; Dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kraft Vina (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) được điều chỉnh tăng vốn đầu tư 610 triệu USD…

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa phát hành tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký của Việt Nam thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn thực hiện tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Theo WB, thực tế, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021 (tăng 65% so với tháng trước), chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Hành động ngay để duy trì khả năng cạnh tranh

Chia sẻ rằng khoảng 20% DN thành viên đã phải chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác, tuy nhiên, trong văn bản vừa gửi tới Thủ tướng mới đây, 4 Hiệp hội DN FDI gồm EuroCham, KoCham, AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Các hiệp hội ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn” và khẳng định chung tay cùng Chính phủ, các địa phương để tái mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện phục hồi và thiết lập trạng thái bình thường mới. 4 hiệp hội cũng đánh giá cao việc Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã đồng hành, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, trong đó có các giải pháp tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh của chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư nước ngoài; thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN…

Tuy nhiên, 4 hiệp hội khuyến nghị, Chính phủ cần có những quyết sách kịp thời, hành động ngay để duy trì khả năng cạnh tranh, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để mở cửa trở lại và phục hồi. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng di chuyển từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh là một sự thay thế đáng tin cậy.

Các khuyến nghị gồm vaccine là yếu tố then chốt, là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế; sự phối hợp giữa các địa phương trên cả nước về vận chuyển, xét nghiệm nhanh… Các hiệp hội DN FDI cũng đề xuất chiến lược phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Bên cạnh đó, bây giờ là lúc Việt Nam có thể lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. “Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh đề xuất mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa - Vũng Tàu và mong muốn được hợp tác để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững”, 4 hiệp hội DN FDI nêu rõ.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề