Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) đã được lên kế hoạch cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên |
Chờ đợi “ông lớn” chào sân
Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ngày 31/10 tới đây Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim) dự kiến sẽ bán đấu giá 11,83 triệu cổ phần (CP) trong tổng số 236,6 triệu CP với giá khởi điểm là 10.600 đồng/CP.
Thalexim có vốn điều lệ 2.366 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản doanh nghiệp này là 6.062 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 4.133 tỷ đồng, chiếm 68%.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, doanh thu của Thalexim đạt 6.624 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Tổng công ty (TCT) lại tăng 113% so với năm 2015, từ gần 42 tỷ đồng lên 89 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do sự cải thiện của hoạt động tài chính.
Một DN lớn khác hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng có kế hoạch IPO trong năm 2017 là TCT Sông Đà. Theo phương án CPH mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TCT này sẽ bán 135 triệu CP cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ; 84,768 triệu CP sẽ được đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động là 822.000 CP, chiếm 0,183% vốn điều lệ.
Tính đến 31/12/2016, TCT Sông Đà có tổng tài sản là 31.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 7.829 tỷ đồng, nợ phải trả là 24.072 tỷ đồng. Năm 2016, Sông Đà đạt 9.970 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm gần một nửa so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 586 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.
Tương tự, với TCT Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BECAMEX IDC), kế hoạch IPO cũng đã được định sẵn.
Theo phương án CPH đã được Thủ tướng phê duyệt, BECAMEX IDC có vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, tương đương 1.317 triệu CP. Trong đó, hơn 671,6 triệu CP do Nhà nước nắm giữ, chiếm 51% vốn điều lệ; 4,936 triệu CP bán ưu đãi cho người lao động trong DN, chiếm 0,37% vốn điều lệ; 311,2 triệu CP bán đấu giá công khai, chiếm 23,63% vốn điều lệ; 329,2 triệu CP bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 25% vốn điều lệ.
Theo thông tin được DN công bố, năm 2015, doanh thu của TCT tăng 59%; lợi nhuận sau thuế tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 6.075 tỷ đồng và 691 tỷ đồng.
Khó khăn cổ phần hóa 2 ông lớn của Bộ Xây dựng
TCT Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) và TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là 2 ông lớn của Bộ Xây dựng đã được lên kế hoạch CPH.
Theo kế hoạch ban đầu, VICEM phải CPH trong quý IV/2016. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải lùi lại nhiều lần khi việc CPH DN này phải gắn với việc tái cơ cấu những khoản nợ của Công ty Xi măng Sông Thao (thuộc TCT HUD) và Xi măng Hạ Long (của TCT Sông Đà) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tại phương án CPH Sông Đà mới được phê duyệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo TCT Sông Đà phối hợp với VICEM, Xi măng Hạ Long, hoặc đối tác khác có liên quan để cam kết và hoàn thành thực hiện theo đúng thời hạn quy định việc trả các khoản nợ cho ngân hàng nước ngoài và Quỹ Tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính mà TCT Sông Đà là chủ thể nhận nợ, tiếp tục xử lý những tồn tại về tài chính.
Liên quan đến việc CPH HUD, hiện nay các đề xuất của Bộ Xây dựng đối với phương án CPH TCT này vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây đã có ý kiến về nhiều đề xuất của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT không đồng tình với phương án bán 25% CP của HUD cho nhà đầu tư chiến lược và việc lấy kết quả xác định giá trị DN này ngày 31/12/2014 để làm căn cứ xác định giá trong IPO. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng cho phép phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị DN đến thời điểm gần nhất nhằm đảm bảo tính đầy đủ giá trị đất đai, tránh thất thoát cho Nhà nước. Trước đó, theo quyết định của Bộ Xây dựng năm 2016, giá trị DN của HUD tính đến hết tháng 12/2014 là 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng.