Chính thức áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 21/4, Tổng cục Thuế tổ chức Lễ Công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Tổng cục Thuế cho biết, ước tính đến ngày 31/3/2022 có 441.827 doanh nghiệp và 20.680 hộ cá nhân kinh doanh tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đối với tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu kết nối gửi dữ liệu hóa đơn điện tử trực tiếp đến cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã tổ chức triển khai kết nối với các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty GAS Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex,...

Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn, trong đó có 44 triệu hóa đơn có mã gửi cơ quan thuế; hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn; hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn.

Tổng cục Thuế đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, các nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phục vụ triển khai mở rộng hệ thống trên cả nước. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử thành công sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính.

Từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế.

Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm, thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý.

Trong suốt quá trình triển khai, Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, đảm bảo vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7.

Chuyên đề