Chính sách ứng phó Covid-19 phải đạt mục tiêu kép

(BĐT) - Hiện nay, khi dịch bệnh đang lây lan và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, sinh mạng người dân, an sinh xã hội được xem là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những phản ứng chính sách cần hướng tới tương lai và chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Các khoản đầu tư công đúng mục đích sẽ kích thích kinh tế, đồng thời tạo nền tảng để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Ảnh: Lê Tiên
Các khoản đầu tư công đúng mục đích sẽ kích thích kinh tế, đồng thời tạo nền tảng để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi tại cuộc hội thảo trực tuyến vừa diễn ra, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ quan điểm, giữ tốc độ tăng trưởng không phải là mục tiêu chính yếu lúc này. Mục tiêu tối thượng là làm thế nào bảo toàn lực lượng để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng. Lực lượng ở đây là sự sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, của hệ thống ngân hàng - tài chính và niềm tin của người dân đối với Nhà nước.

Hệ thống các chính sách can thiệp của Chính phủ để ứng phó với tác hại của Covid-19, do vậy phải đáp ứng năm mục tiêu: hạ thấp đường cong nhiễm dịch, bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp, củng cố niềm tin xã hội, bồi đắp nền tảng phục hồi, hạn chế di hại tương lai. Nếu các chính sách đưa ra chỉ giải quyết các vấn đề ngay trước mắt mà thiếu tầm nhìn cho tương lai thì không những không bồi đắp được các nền tảng để phục hồi mà thậm chí còn có thể tạo ra những hệ lụy khó khắc phục về sau.

TS. Vũ Thành Tự Anh  lưu ý, các chính sách đầu tư công cần nhắm vào hai mục tiêu vừa kích thích kinh tế, vừa giúp bồi dưỡng năng lực khi hồi phục. Theo đó, các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (5G), năng lượng tái tạo, các dự án hạ tầng quan trọng mà hiện nay do thiếu vốn nên ngưng trệ, chậm tiến độ, các nền tảng giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử… nên được xem là các ưu tiên đầu tư.

Trong một báo cáo vừa công bố, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ là công cụ hỗ trợ, ngăn ngừa đổ vỡ tài chính trong ngắn hạn, nhưng có độ trễ lớn, sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi bắt đầu kiểm soát được dịch, bắt đầu quá trình hồi phục. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, vai trò chủ yếu của chính sách tiền tệ là đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. “Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng”, Báo cáo của Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân trước tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, bên cạnh việc cần làm ngay để đảm bảo an sinh xã hội, Bộ đã chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy. Các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. “Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh). Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Những vấn đề này sẽ được Bộ KH&ĐT báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 (Hội nghị) diễn ra vào ngày mai (10/4).

Chuyên đề