Chính sách tiền tệ thêm áp lực lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp sẽ gây áp lực với công tác điều hành chính sách tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Giới chuyên gia dự báo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo, song mức tăng sẽ không lớn bởi phải cân nhắc nhiều mục tiêu bao gồm việc tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp sẽ gây áp lực với công tác điều hành chính sách tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp sẽ gây áp lực với công tác điều hành chính sách tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Không ngoài dự báo, FED tăng lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) của các khoản vay ngắn hạn thêm 0,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75 - 4%, mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 1/2008. Đợt tăng lãi suất này là động thái tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của FED kể từ đầu thập niên 1980 - giai đoạn mà lạm phát ở Mỹ cũng cao như hiện nay.

Đáng chú ý, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng về sự giảm tốc của lãi suất sau đợt tăng này. Ông Powell bác bỏ ý tưởng rằng FED có thể sớm dừng tăng lãi suất dù cho biết, FED có thể bàn chuyện tăng lãi suất chậm lại trong 1 - 2 cuộc họp tới.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc FED tăng lãi suất cơ bản đã được dự báo từ trước. Điều đáng chú ý là thông điệp “cứng rắn” về việc chưa sớm dừng tăng lãi suất. Bởi trước đó, nhiều ý kiến kỳ vọng FED sẽ giảm đà tăng lãi suất, đặc biệt sau khi có một loạt ý kiến phản đối từ phía các nhà kinh tế và kể cả Quốc hội Hoa Kỳ.

“Việc tăng lãi suất của FED sẽ khiến đồng USD tăng giá. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt doanh nghiệp nhập khẩu rất thận trọng nghe ngóng và lo lắng trước sức ép tỷ giá và việc NHNN buộc phải tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm thêm 1 - 2 lần nữa, có thể với mức tăng không cao như 2 đợt vừa rồi. Chính sách tiền tệ đang ở ngã ba đường mặc dù thanh khoản đã được cải thiện đôi chút, giá USD trên thị trường chợ đen giảm nhiệt, song cú sốc từ phát ngôn của FED có thể khiến USD tiếp tục tăng giá. NHNN sẽ phải “ném đá dò đường” để có giải pháp phù hợp đối với lãi suất và tỷ giá”, ông Việt nhận định.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, FED muốn kiểm soát lạm phát nên chấp nhận việc giảm tăng trưởng. Sau đợt tăng lãi suất này, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá. Ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Việt Nam sẽ phải tính toán các bài toán khác nhau về lãi suất và tỷ giá để ứng phó với động thái này của FED.

“Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đang tiến thoái lưỡng nan giữa các áp lực về lãi suất, lạm phát, bảo đảm thanh khoản, bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bài toán nào cũng đòi hỏi sự đánh đổi và trả giá, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đáng kể từ biến động của thị trường thế giới. Trong năm qua, NHNN đã rất thận trọng và điều hành chính sách tiền tệ hợp lý dựa trên việc đánh giá đa chiều. Tôi tin tưởng, cơ quan điều hành sẽ có giải pháp phù hợp, cân đối được mất giữa các yếu tố để có lợi nhất cho ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lâm nói.

Tại phiên thảo luận tại hội trường cuối tuần trước, báo cáo Quốc hội và cử tri cả nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành lãi suất, tín dụng và tỷ giá là những vấn đề nhận được sự quan tâm của không chỉ doanh nghiệp và người dân ở trong nước mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, chúng ta luôn cần đánh giá, xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Nhưng mục tiêu xuyên suốt vẫn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Hồng cũng cho rằng, trong ngắn hạn có thể cần phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu. Ví dụ, để ổn định thị trường ngoại hối chúng ta phải chấp nhận tỷ giá, lãi suất tăng lên. Đối với doanh nghiệp, khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Song, với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, chúng ta sẽ có điều kiện để tăng tốc, phát triển hơn.

Chuyên đề