Giữ ổn định tỷ giá là một trong những biện pháp để giảm rủi ro về dòng tiền đầu tư chảy ra khỏi Việt Nam. Ảnh: Hoài Anh |
Với độ mở lớn, Việt Nam có thể chịu rủi ro lớn về dòng vốn bị rút ra để tìm về các tài sản an toàn một khi thị trường có biến động mạnh.
Rủi ro khi thị trường biến động mạnh
Kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước phát triển - bao gồm cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản - đã khiến cho dòng vốn khổng lồ đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi. Nguyên nhân là do triển vọng tăng trưởng kinh tế cùng với mặt bằng lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi cao hơn so với các nước phát triển. Điều này đã làm cho nợ vay của doanh nghiệp tăng mạnh. Đòn bẩy tài chính không chỉ làm tăng chi phí sử dụng vốn mà còn gây ra khả năng mất ổn định tài chính cao.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2016 và đưa ra lộ trình thực hiện cho những năm tiếp theo. Điều này dẫn đến thắt chặt cho vay và buộc các doanh nghiệp phải giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc này cũng làm cho “đồng bạc xanh” mạnh hơn so với các đồng tiền khác, dẫn tới làm tăng giá trị các khoản nợ bằng USD. Trong bối cảnh bất ổn chính trị diễn ra ở một số quốc gia, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, dòng tiền đầu tư toàn cầu có xu hướng tìm về các tài sản an toàn.
Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, FED tăng lãi suất làm tăng chi phí trả nợ vay của Việt Nam trong bối cảnh tỷ trọng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng. Cơ quan này cũng lưu ý, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng của Việt Nam theo hình thức tự vay tự trả nếu tăng đột biến như năm 2017 có thể ảnh hưởng đến giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia (hiện ở mức 49% GDP, tiệm cận ngưỡng 50% GDP).
Thắt chặt tiền tệ toàn cầu
Cụ thể, Mỹ đã nâng lãi suất 5 lần và nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018. Khối EU giảm mua tài sản từ mức 30 tỷ EUR xuống 15 tỷ EUR/tháng vào tháng 9. Ngân hàng trung ương Anh đã nâng lãi suất từ mức 0,5% lên 0,75% trong tháng 8 và Canada đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay.
Đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế mới nổi đã mất giá đáng kể trong năm 2018. Trong đó, đồng Peso của Argentina đã mất 50% giá trị, buộc nước này phải nâng lãi suất cơ bản lên 60%. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ.
Theo báo cáo tài chính tiền tệ tháng 8 của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn, tại khu vực Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản có đồng nội tệ tăng giá nhẹ, hầu hết các đồng tiền đều mất giá dưới 10%. VND mất giá ở mức thấp (-2,7%), chỉ sau Thái Lan (-1,7%). Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất đã hiện rõ sau khi chạm đáy vào tháng 4. Lãi suất tăng trên phạm vi toàn cầu sẽ khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam có xu hướng chậm lại trong thời gian tới.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của diễn biến này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần phải tăng được điểm xếp hạng tín nhiệm để thoát khỏi mức không khuyến khích đầu tư được đánh giá bởi các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín. Ngoài ra, nên tận dụng nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế trong nước thay vì huy động bên ngoài vào thời điểm hiện tại để đầu tư các dự án công. Vấn đề giữ được ổn định tỷ giá hối đoái trong nước cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Nguồn gốc của vấn đề là việc FED tăng lãi suất và làm USD tăng giá. Vì vậy, ổn định được tỷ giá trong nước vẫn sẽ là biện pháp để giảm rủi ro về dòng tiền đầu tư ra khỏi Việt Nam”, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường thuộc Công ty CP Chứng khoán BIDV nhận định.