Còn khoảng cách khá xa từ mục tiêu chính sách đến kết quả thực tế, và doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động nặng nề. Ảnh: Quang Tuấn |
“Trên nóng dưới lạnh” vẫn là hiện tượng phổ biến
Một trong những điểm sáng về thay đổi chính sách trong năm 2018 là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Văn bản này được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm với kết quả là giảm 95% lô hàng thực phẩm xuất nhập khẩu phải kiểm tra, tiết kiệm 8 triệu ngày công, 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi đó, một số quy định bất hợp lý khác vẫn tiếp tục gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp. “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” là những quy định đã được Chính phủ chỉ đạo bãi bỏ từ tháng 5/2018 song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Đây chỉ là một trong những vụ việc cho thấy có khoảng cách lớn từ mục tiêu chính sách đến kết quả thực tế. Bình luận về tình trạng này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” trong thực thi chính sách vẫn khá phổ biến.
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, GS. Phan Văn Trường nhận xét, việc thực thi chính sách không hẳn đồng đều ở các quốc gia. Ở một số nước, việc thực thi chính sách đạt mức 100%, nghĩa là cứ được giao việc là người lao động trong lĩnh vực công sớm đạt kết quả. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác, giữa việc ban hành chính sách và thực thi chính sách vẫn còn khoảng cách suy luận và thời gian khá lớn.
Văn hóa làm việc và văn hóa tập thể
GS. Phan Văn Trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực thi chính sách không tốt. Chẳng hạn, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên người thực hiện không nắm rõ chính sách mà vẫn làm; cũng có thể do văn hóa làm việc thấp hoặc do cách thức truyền thông của lãnh đạo chưa hiệu quả, thậm chí nhiều trường hợp lãnh đạo giao việc nhưng không giao phương tiện làm việc hoặc thưởng phạt không phân minh.
“Bên cạnh đó, để thực thi chính sách hiệu quả cũng cần một tập thể đoàn kết, cùng hiểu, cùng thực hiện và báo cáo trung thực. Tất cả những yếu tố nói trên làm nên văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tập thể”, ông Trường nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo quan điểm của GS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, việc khó thực thi chính sách không hoàn toàn do người thực hiện mà còn do nhiều chính sách được xây dựng từ “phòng máy lạnh” nên không thể thực hiện.
Vì vậy, nhiều chủ trương về cơ bản là đúng đắn nhưng khi triển khai thành các giải pháp và hành động để thực thi lại vô cùng khó khăn, vì xa rời thực tế. Kết quả là, công việc không “chạy” và người không làm thì đổ tại lý do khách quan để ít bị quy lỗi sai phạm nhất. Hay nói cách khác, chính sách không đúng và chưa phù hợp với thực tiễn sẽ dẫn đến tình trạng đối phó trong quá trình thực thi.
“Điều đáng nói là, ngay với một chính sách phù hợp, việc chuyển từ chính sách đến kế hoạch hành động nhiều khi cũng gặp trắc trở bởi nhiều lý do. Trong trường hợp đó, không hẳn là người thực thi không hiểu chính sách là cần thiết, mà có thể họ “cố” hiểu và giải thích theo cách có lợi cho nhóm lợi ích bằng việc chỉ thi hành theo một phần câu chữ mà bỏ qua phần còn lại”, ông Thái phân tích.
Để người dân tham gia xây dựng và giám sát
Tìm cách giải quyết vấn đề “nóng - lạnh” chính sách như trên, GS. Nguyễn Quang Thái nêu quan điểm: “Để chính sách đi vào cuộc sống thì trước hết phải đưa được cuộc sống vào chính sách. Chúng ta luôn đề cao tính dân chủ trong việc thực thi chính sách, song cần chú trọng điều này ngay từ giai đoạn khởi đầu, dành quyền cho người dân được tham gia thiết thực trong quá trình xây dựng chính sách, giám sát thực thi chính sách”.
Tìm giải pháp từ câu chuyện cụ thể về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng là cần có cơ chế đảm bảo kết quả bền vững. Do đó, việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh cần phải có một cơ chế “gác cổng” chặn những quy định pháp luật không phù hợp mà có thể dễ dàng được ban hành trong thời gian tới.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu về cải thiện chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đã nhắc đến bóng đá với điểm nhấn là vai trò từng cá nhân với khát vọng vô địch, đàng hoàng, tự tin, đĩnh đạc tham gia các giải khu vực và châu lục. “Các chương trình phát triển kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ có lẽ cũng cần tiếp cận như vậy, theo hướng chọn lựa và gắn với trách nhiệm cá nhân nhiều hơn nữa”, ông Tuấn nói.