Hiện có sự cách biệt lớn về năng suất giữa DN hàng đầu và nhóm DN có năng suất thấp nhất trong nhóm 500.000 DN Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm |
Đây là nội dung đáng lưu ý được chỉ ra tại Tọa đàm “Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách”, diễn ra ngày 7/6, tại Hà Nội.
Chặng đường đi tới thịnh vượng mới chỉ bắt đầu
Tại Tọa đàm, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: “Con đường tăng trưởng, phát triển của Việt Nam đến nay khá thành công, nhưng chặng đường đi tới thịnh vượng mới chỉ bắt đầu”. Lý do là, những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ trước như sản xuất dựa vào thâm dụng lao động, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… có thể sẽ thay đổi trong tương lai, nhất là khi tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có thể bị tác động bởi 3 yếu tố là: tốc độ già hóa dân số cao, đầu tư còn đang thấp và năng suất lao động tăng trưởng không cao.
Ông Sebastian Eckardt phân tích, so sánh Việt Nam với Hàn Quốc giữa những năm 1980 khi nước này đạt thu nhập 2.500 USD/người thì năng suất, tích tụ vốn của Việt Nam đều thấp hơn. “Nếu vẫn tiếp diễn như vậy thì trong dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm, chỉ đạt mức 5,7% trong thời gian tới, thấp hơn mức tăng trưởng mong muốn 6,5% - 7,5%”, chuyên gia này cảnh báo.
Về vĩ mô, năng suất lao động toàn nền kinh tế được quyết định bởi năng suất của các DN. Song, nghiên cứu cho thấy, hiện có sự cách biệt lớn về năng suất giữa DN hàng đầu và nhóm DN có năng suất thấp nhất trong nhóm 500.000 DN Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, sự phân bổ nguồn lực đang có diễn biến ngược; khuôn khổ chính sách đào thải DN yếu kém đang có vấn đề... Nhìn vào lĩnh vực tài chính, tốc độ tăng trưởng khu vực ngân hàng cao, tăng trưởng tín dụng trên 10%/năm nhưng DN vẫn phàn nàn bởi tín dụng chủ yếu đổ vào bất động sản, dịch vụ… hơn là vào sản xuất.
Chưa hài lòng với chất lượng tăng trưởng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Chất lượng tăng trưởng của chúng ta có vấn đề, trong đó năng suất lao động tăng rất chậm, không thể nào tăng trưởng nhanh và bền vững được. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả 3 cấp độ từ sản phẩm, DN đến quốc gia đều thấp”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: “30 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cứ chậm dần đều. Vậy đâu là những đột phá để nền kinh tế tăng trưởng trong tương lai?”.
Làm gì để duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng?
WB nhận định, trong thập kỷ tới, Việt Nam vẫn có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững nếu hành động quyết liệt. Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi, các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam. Đồng thời, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất như: robot, in 3D, sản xuất thông minh có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, nhưng điều này cũng có thể tạo ra những cơ hội mới để bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt.
Cho rằng Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ, đại diện WB nhấn mạnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới đây là những cơ hội vàng của Việt Nam để định hình lộ trình phát triển của đất nước, hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Trước thách thức vượt qua bẫy thu nhập trung bình, WB nhìn nhận, điều này không phải quá khó khăn đối với Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể mở khóa tiềm năng nhằm thoát khỏi bẫy này với việc nhanh chóng hành động. Khuyến nghị chính sách để Việt Nam thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng, WB cho rằng, giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần tập trung ưu tiên 3 trụ cột. Đó là: Củng cố hệ thống trung gian tài chính, tăng cường tiếp cận vốn cho DN; xử lý nút thắt cản trở khu vực sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Bên lề Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “chìa khóa” để Việt Nam tăng trưởng tốt trong tương lai trước hết là tăng năng suất lao động. Muốn tăng được năng suất thì phải dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khi đó mới đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. “Đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay”, Bộ trưởng khẳng định.
“Chìa khóa” thứ hai được người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhắc tới là nguồn nhân lực. Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực rất tốt nhưng chúng ta chưa tận dụng được, trong khi đang chuyển dần sang giai đoạn già hóa dân số. Do vậy, chúng ta phải tập trung đẩy mạnh đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm nắm bắt cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tranh thủ thời gian còn lại của dân số vàng. “Ngược lại, nếu không tận dụng được cơ hội này thì khi chuyển sang một giai đoạn mới, chúng ta lại đối mặt với một số thách thức mới lớn hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.