Chi hỗ trợ hiệu quả sẽ bớt áp lực cho ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giới nghiên cứu cho rằng, để hạn chế tổn thương ngân sách nhà nước khi hỗ trợ vượt khó do Covid-19, chính sách tài khóa cần co kéo hợp lý với yêu cầu cao về hiệu quả chi hỗ trợ. Đây cũng là điều cần làm để duy trì chính sách tài khóa cẩn trọng và bền vững trong trung, dài hạn.
Ngân sách nhà nước đã chi một khoản đáng kể hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, song vẫn thấp hơn dự kiến. Ảnh: Lê Tiên
Ngân sách nhà nước đã chi một khoản đáng kể hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, song vẫn thấp hơn dự kiến. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp tục rà soát các chính sách tài khóa

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ngân sách nhà nước đã chi một khoản đáng kể, song vẫn thấp hơn dự kiến và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Cụ thể, thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, đến ngày 30/7, cơ quan thuế đã gia hạn 54,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 30% con số ước tính ban đầu của ngành tài chính khi thực thi chính sách này. Thực hiện Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đến đầu tháng 8, tổng số chi hỗ trợ là khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dành cho 12,6 triệu đối tượng, thấp hơn hẳn mức dự chi 62 nghìn tỷ đồng.

Tại Báo cáo “Tác động kinh tế của Covid-19” được công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét: “Chính sách tài khóa cẩn trọng được các cấp có thẩm quyền theo đuổi trong vài năm qua đã tạo ra dư địa tài khóa với một lượng ngân quỹ đáng kể được tích lũy khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2019, qua đó giúp tạo được dư địa để ứng phó với cú sốc Covid-19. Chính vì vậy, Chính phủ không có nhu cầu bức thiết phải vay nợ trong những tháng qua. Tuy nhiên, gói hỗ trợ tài khóa đã được đưa vào triển khai nhưng với tốc độ chưa đồng đều”.

Báo cáo của WB nhấn mạnh, tác động theo hướng tiêu cực của Covid-19 tới tài khóa sẽ tăng lên trong những tháng tới do hai xu hướng kết hợp.

Về thu ngân sách, số thu từ thuế suy giảm chung ở hầu hết các sắc thuế do suy giảm các hoạt động kinh tế và do triển khai các biện pháp giãn thuế.

Về chi ngân sách, tổng chi tiêu tăng khoảng 9,5% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng này là do chi tiêu liên quan đến Covid-19 kết hợp với nỗ lực lớn nhằm đẩy nhanh giải ngân chương trình đầu tư công. Nỗ lực đó đến nay mang đến kết quả là giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với diễn biến bất thường của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này tiếp tục rà soát các chính sách tài khóa để đảm bảo phục vụ tốt hơn cho sự phục hồi của nền kinh tế; cho các doanh nghiệp khởi động lại, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Các doanh nghiệp này bị tác động rất lớn, nên chúng tôi rà soát lại để đảm bảo giảm nghĩa vụ cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Không nhất thiết phải chi nhiều hơn

Theo WB, tập trung vào chính sách tài khóa là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt.

Bội chi ngân sách dự kiến sẽ tạm thời xấu đi do kinh tế suy giảm và do Chính phủ phải ứng phó với Covid-19. Bội chi dự kiến rơi vào khoảng 6% GDP trong năm 2020 trước khi quay lại mức 4 - 5% GDP trong các năm tiếp theo khi các cấp có thẩm quyền có khả năng quay lại cam kết về chính sách tài khóa cẩn trọng và bền vững. Bội chi chỉ xấu đi tạm thời vì thu ngân sách sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế từng bước phục hồi trong vài năm tới. Chi tiêu kích thích kinh tế cũng sẽ giảm dần khi nền kinh tế dự kiến phục hồi vào năm 2021 và 2022.

Nếu bội chi ngân sách trong ngắn hạn xấu đi như dự kiến, WB cho rằng, nợ công sẽ tăng từ 54,1% lên 56,1% GDP từ năm 2019 đến năm 2020. Mức tăng trên là tương đối thấp vì Chính phủ có khả năng dựa vào dự trữ được tích lũy để bù đắp cho số thu giảm xuống và đảm bảo cho chi tiêu tăng thêm. Tiếp theo, Chính phủ cần quay lại với nỗ lực củng cố tình hình tài khóa nhằm đưa tỷ lệ nợ công về khoảng 55% GDP trong các năm 2021 - 2022. Tương tự như các năm qua, Chính phủ nên kết hợp vay nợ cả trong nước và nước ngoài để quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và tỷ giá.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, trong bối cảnh chưa thể tăng thu ngân sách mạnh mẽ, các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân càng cần thực hiện hiệu quả hơn. Làm được như vậy, sức ép tăng nợ công hoặc thâm hụt ngân sách là không quá nặng nề. Thậm chí, nếu thực hiện hiệu quả, có thể không cần vay thêm nợ hoặc tăng bội chi để tránh các hệ lụy tương lai và khó khăn lâu dài.

Chuyên đề