Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến. |
Nguyên nhân đội vốn bất hợp lý
Theo ông Mai Sỹ Diến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, các dự án chậm tiến độ, tổng mức đầu tư tăng lên gấp 2, 3 lần dự toán ban đầu. Đây là thực tế, tuy nhiên, nguyên nhân tại sao đội vốn lên nhiều như vậy lại chưa được làm rõ, và còn bất hợp lý. Trong khi chỉ số giá lạm phát hàng năm của nước ta công bố những năm gần đây chỉ một con số, khoảng 5% đến 7%. Trong khi đó, thị trường quốc tế tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, như vậy dự án chậm 3 đến 5 năm thì tổng mức vốn đầu tư không thể tăng gấp 2, 3 lần như vậy. Vấn đề này khi thanh tra, kiểm toán chưa chỉ ra nguyên nhân, biến động ở khâu nào ảnh hưởng đến đội vốn. Ví dụ, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên. Dự án phê duyệt năm 2005 với tổng mức vốn đầu tư gần 4 nghìn tỷ đồng, thời gian thi công 30 tháng nhưng dự án chậm tiến độ, đến năm 2013 phải điều chỉnh mức vốn đầu tư lên hơn 8 nghìn tỷ đồng, tăng 200%. Tôi đề nghị cần được làm rõ nguyên nhân chậm dự án ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm, tăng vốn đầu tư, mất tiền của dân ai chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân và có xử lý gì không.
Mặt khác, dự án chậm so với tiến độ 5 năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên trên 200% với một số lý do chưa thuyết phục vì những năm này tỷ giá ngoại tệ trên thị trường thế giới rất ít biến động, tức là tỷ giá ngoại tệ khá ổn định. Mặt khác chỉ số giá năm 2009, 2013 biến động nhưng không lớn. Nhưng đơn giá dự toán trong xây dựng cơ bản lại biến động tăng lên nhiều lần là không thuyết phục.
Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến
“Ai cũng biết khi chậm tiến độ dự án là vốn đầu tư đội lên rất nhiều nhưng tại sao các cơ quan có trách nhiệm không xử lý dứt điểm hiện tượng này? Rõ ràng có nhiều khâu bất cập trong các dự án đầu tư chậm tiến độ nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý tập thể, cá nhân có liên quan và thông tin đại chúng để cử tri biết và giám sát”, ông Mai Sỹ Diến nói và dẫn ra ví dụ việc chậm bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân đã khiến ngân sách phải chi hàng trăm tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản và số tiền đội vốn đầu tư lại lấy từ ngân sách nhà nước mà không ai chịu trách nhiệm.
Theo ông Mai Sỹ Diến, phải xác định được nguyên nhân chậm dự án tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm. Cần tăng cường kiểm tra, giám soát, kiểm toán, thanh tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng với các dự án khi đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Phải chỉ rõ những hạn chế tồn tại, nguyên nhân và những sai phạm, xử lý nghiêm những dự án có vấn đề, kể cả những tập thể, cá nhân của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra không phát hiện được.
“Việc không xử lý kéo theo hệ lụy rất nhiều dự án khác cũng xảy ra tương tự. Cuối cùng chỉ thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân”, ông Mai Sỹ Diến cảnh báo.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình dẫn ra ví dụ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn hai lần, nhưng giờ “đắp chiếu”. Nhà máy Bột giấy Phương Nam điều chỉnh vốn đầu tư tăng 2,3 lần, sau khi nghiệm thu, chạy thử thì thành công nhưng chạy tải thì không thành công do cây đay không phù hợp và cuối cùng đổi sang gỗ tràm nhưng cũng không hiệu quả, bây giờ Nhà máy này gần như là bỏ. Từ câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Phương đề nghị phải chỉ rõ được từ thực tế hiệu quả đầu tư có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân, giải pháp xử lý là gì. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay.