Cát đắp nền cho các dự án cao tốc: Nhà thầu chờ, địa phương bàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nhiều nhà thầu xây lắp cao tốc phía Nam vẫn chưa nhận được mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù để có nguồn cát thi công cao tốc. Trong khi đó, yêu cầu tiến độ xây dựng các cao tốc rất gấp rút và thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội chỉ còn khoảng hơn 3 tháng. Một số hạng mục xây dựng cần cát san lấp đã không thể triển khai hoặc đình trệ.
Hiện nhiều nhà thầu xây lắp cao tốc phía Nam vẫn chưa nhận được mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù để có nguồn cát thi công cao tốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện nhiều nhà thầu xây lắp cao tốc phía Nam vẫn chưa nhận được mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù để có nguồn cát thi công cao tốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án thành phần (DATP) 4 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 11.961 tỷ đồng do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản. DATP 4 có 4 gói thầu xây lắp; trong đó, Gói thầu số 11 có giá trị khoảng 2.454 tỷ đồng do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty CP Đầu tư xây lắp Miền Nam - Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đảm nhiệm đã được khởi công vào ngày 17/6/2023. Tới nay, các nhà thầu đang tập trung xây dựng lán trại, tập kết vật tư, máy móc, thiết bị và trình phương án tổ chức thi công, thi công đường công vụ. Công tác thi công đào khuôn đường, bơm, lu lèn cát nền đường chưa triển khai vì khó khăn về nguồn cát đắp nền.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của DATP 4 khoảng 8 triệu m3. Trong đó, năm 2023 khoảng 1,5 triệu m3, năm 2024 khoảng 4 triệu m3, năm 2025 khoảng 2 triệu m3 và năm 2026 khoảng 0,5 triệu m3. Để có nguồn vật liệu đắp nền cho Dự án, tỉnh Sóc Trăng đang tính tới 2 nguồn cung cấp gồm cát lòng sông và cát biển. Theo đó, HĐND Tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc quyết định biện pháp quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho DATP 4 gồm 7 khu mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 17,155 triệu m3.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh Sóc Trăng, các mỏ trên nằm ở cuối nguồn sông Hậu, cát lòng sông lẫn nhiều tạp chất nên nhiều khả năng không bảo đảm đủ cát chất lượng theo yêu cầu. Về cát biển, xác định sơ bộ nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng vùng biển ven bờ Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3. Do tình trạng khan hiếm nguồn cát, UBND tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu san lấp.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh dự kiến giao mỏ cát cho các nhà thầu khai thác phục vụ DATP 4 theo cơ chế đặc thù. Đây là công việc chưa có tiền lệ và phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp. Đầu tháng 9 vừa qua, trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về thủ tục để xác định dự toán giá cát khi giao mỏ cát cho nhà thầu.

Cũng thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, DATP 1 do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản. Dù là địa phương có nguồn cát lớn, An Giang cũng đang phải căng mình cân đối cát cho nhiều dự án cao tốc. UBND tỉnh An Giang cho biết sẽ huy động khoảng 3,1 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho gói thầu xây lắp đầu tiên thuộc DATP 1.

Ỗng Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang vừa họp rà soát tổng thể để có phương án cung cấp cát san lấp cho các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, đối với các mỏ cát còn giấy phép sẽ cung cấp cho các nhà thầu xây dựng cao tốc theo mức giá Nhà nước quy định. Với các mỏ chưa cấp phép hoặc mới thu hồi, An Giang sẽ giao các mỏ vừa thu hồi giấy phép cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.

Một nhà thầu ở TP.HCM tham gia thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau cho biết, tình hình cung ứng cát hiện rất căng thẳng. Hiện tại, nhà thầu này chỉ có thể thi công các hạng mục cầu. Với hạng mục cần cát đắp nền, nhà thầu thụ động chờ nguồn cát phân bổ và đối diện với nguy cơ trễ hạn theo hợp đồng xây lắp. Các nhà thầu đang trông ngóng sớm được địa phương giao mỏ cát để khai thác phục vụ xây lắp cao tốc theo cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm tiến độ thi công trong tháng 10/2023.

Ghi nhận từ một số chủ đầu tư DATP cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho thấy, việc tiếp cận nguồn vật liệu cát đắp nền cao tốc vẫn rất khó khăn. Tình trạng thiếu cát phục vụ thi công là thách thức lớn đối với tiến độ các cao tốc. Theo một nhà thầu đảm nhiệm thi công cao tốc tại Tây Nam Bộ thì tiến độ dự án cao tốc chưa thể hy vọng có chuyển biến lớn nếu tình trạng thiếu cát kéo dài.

Chuyên đề