Cấp thiết gỡ khó đơn giá, nguồn cung vật liệu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh hiện tại, các nhà thầu xây dựng nói chung vẫn đang đối mặt với khó khăn, rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng. Trong đó, đơn giá định mức chưa đồng bộ hoặc xây dựng chưa sát với thực tế dẫn đến tình trạng nhà thầu giao thông chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị để triển khai dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đoàn Việt Thành, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Thống Nhất (Kiên Giang)

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, các vật liệu xây dựng như cát, xi măng, gạch, thép cơ bản đã được Liên sở Tài chính - Xây dựng cập nhật tương đối thường xuyên. Tuy nhiên, một số chủng loại vật liệu lại ít được cập nhật về đơn giá, ví dụ cửa nhôm, cửa sắt, cửa nhựa lõi thép, thiết bị điện, nước... mặc dù thị trường đã có biến động lớn về giá trong thời gian dài. Đơn cử, đối với vật liệu cửa nhôm, giá thị trường hiện khoảng 1.300.000 đồng, trong khi báo giá của Sở chỉ khoảng 900.000 đồng... Tương tự đối với nhân công, đơn giá thuê nhân công bậc 4 tại báo giá của Sở đang ở mức khoảng 300.000 - 320.000 đồng/người/ngày công, nhưng thực tế nhà thầu đang phải chi trả 370.000 đồng/người/ngày công, gây “đội” chi phí tại các hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh đơn giá, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu san lấp cũng chưa được tháo gỡ, khiến việc triển khai các công trình xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đối với vật liệu cát san lấp, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hầu như không có mỏ, các công trình xây dựng đều phải huy động nguồn cát từ địa phương khác, làm phát sinh chi phí vận chuyển. Ngoài ra, do đặc thù địa lý, phần lớn khu vực đồi núi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều đóng vai trò che chắn về mặt quốc phòng, không được phép khai thác lớp đất tầng phủ để sử dụng trong xây dựng, khiến nguồn cung vật liệu đắp nền tại địa phương càng trở nên khan hiếm. Những vướng mắc này cần sớm có cơ chế cải thiện, nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy tiến độ đầu tư.

Chuyên đề