Chỉ số lạm phát năm 2019 được dự đoán sẽ khó kiểm soát hơn khi tác động của việc điều chỉnh giá năng lượng mới chỉ bắt đầu. Ảnh: Tiên Giang |
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo về những thách thức cho những tháng còn lại của năm 2019 khi tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm có xu hướng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018, sự bất ổn của thị trường toàn cầu...
Hai kịch bản tăng trưởng
Theo Nhóm nghiên cứu, kịch bản thứ nhất là tăng trưởng của nền kinh tế năm 2019 sẽ đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Kịch bản này xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi. Sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo nên sức ép mới khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, khiến Việt Nam đối diện với thách thức nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Trong khi đó, ở tình huống giả định, hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường này chưa đủ linh hoạt để tăng mạnh.
Kịch bản thứ hai lạc quan hơn với mức dự báo tăng trưởng là 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. Theo Nhóm nghiên cứu, so với kịch bản thứ nhất, kịch bản thứ hai có tính khả thi hơn nhờ các yếu tố như: đà tăng trưởng năm 2018, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Tương ứng với hai kịch bản tăng trưởng nêu trên, chỉ số lạm phát cả năm 2019 lần lượt là 4,21% và 4,79%. Mức độ gia tăng lạm phát sẽ tùy thuộc vào sức ép từ cả bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài, với những yếu tố bất lợi nhiều hơn tích cực (giá dầu thô liên tục leo thang, đồng nhân dân tệ giảm giá...), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ giảm so với năm 2018.
“Nền kinh tế thế giới đang hình thành luật chơi mới, không tuân theo quy luật và cũng chưa từng có trước đây. Một trật tự thương mại, tài chính toàn cầu mới được thiết lập. Chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, thay vì toàn cầu hóa”, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Công ty VietAnalytics đặt vấn đề.
Ở trong nước, tác động của việc điều chỉnh giá năng lượng vừa qua đối với giá cả tiêu dùng mới chỉ bắt đầu và sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới. Nội tại nền kinh tế còn nhiều bất cập chưa được giải quyết. Tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Khối doanh nghiệp tư nhân chưa lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh.
Từng bước xây dựng “đệm tài khóa”
Bàn về giải pháp ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, đến nay, dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như những cam kết đối với tỷ giá. Và chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách và khối tài sản nhà nước ngày càng giảm. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài.
Để giải quyết những thách thức này, trước tiên, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng tối đa lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại tự do.
Thứ hai, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm hóa giải bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài.
Thứ ba, ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.
Bình luận về các giải pháp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Đã đến lúc cần tạo nên một làn sóng đổi mới mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cương quyết loại bỏ cách nhìn cũ dù từng mang lại thành tích. Thay vì thúc đẩy tăng trưởng dựa vào các nguồn lực truyền thống như tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ..., nên chuyển sang đẩy mạnh nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo nền tảng chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai”.