Thẻ CCCD mã vạch đang được sử dụng. Ảnh: N.H. |
Thông tin trên được thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến hôm 9/9 về việc triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân. Đây là cơ sở để bộ khẩn trương thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.
Điểm nổi bật của dự án căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11, Bộ Công an tổ chức lấy vân tay đồng loạt theo phương thức mới trên toàn quốc.
Tiếp đó, tháng 2/2021, Bộ Công an báo cáo kết quả với Chính phủ, khởi động 2 hệ thống và vận hành thử nghiệm. Tháng 7/2021, hai dự án trên sẽ hoạt động.
Theo Bộ Công an, lực lượng chức năng ở các địa phương phải xác định việc cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cần hoàn thành trước ngày 1/7/2021.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết dự án căn cước công dân gắn chip có chi phí ước tính 2.800 tỷ đồng.
Thẻ gắn chíp điện tử có tính bảo mật cao, tốc độ xử lý nhanh hơn và tích hợp các tiện ích, nhiều trường dữ liệu công dân như bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng. Căn cước công dân mới cũng được thiết kế mở, tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại.
Bộ Công an nhấn mạnh trong thời gian chờ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, người dân vẫn sử dụng chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch cho đến khi hết thời hiệu (chứng minh nhân dân 9 số thì bắt buộc phải cấp, đổi mới).