Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Trong 4 địa phương có Dự án đi qua, tỉnh Hậu Giang đứng đầu về số gói thầu hoàn thành lựa chọn nhà thầu với gần 20 gói phục vụ giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thiết kế dự án. Ngày 16/3/2023, Gói thầu Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế kỹ thuật có giá 1,1 tỷ đồng đã hoàn tất chọn đơn vị thực hiện.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cũng đã chọn được nhà thầu cho hàng loạt gói thầu tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất trong công tác đo đạc, đền bù, xây dựng đơn giá bồi thường ở tất cả các xã/thị trấn liên quan đến Dự án.
Tại TP. Cần Thơ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố cho biết, ngày 15/3/2023, Gói thầu số 01 Tư vấn lập nhiệm vụ, dự toán khảo sát bước thiết kế kỹ thuật thuộc Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đã hoàn tất chỉ định thầu. Theo đó, Gói thầu có giá 1,678 tỷ đồng được chỉ định cho Công ty CP Tư vấn quốc tế giao thông vận tải.
Gói thầu Thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi có giá 1,05 tỷ đồng được chỉ định cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Cao Cường. Nhà thầu này cũng được chỉ định thực hiện Gói thầu Tư vấn giám sát khảo sát xây dựng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài trên 188 km, đi qua 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h với tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng. Dự án thành thành phần 4 trên địa bàn 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Gói thầu Đánh giá tác động môi trường có giá 2,188 tỷ đồng được giao cho Liên danh Viện Chuyên ngành môi trường - Trung tâm Khoa học công nghệ môi trường giao thông. Gói thầu tư vấn có giá trị lớn nhất là Gói thầu Tư vấn khảo sát xây dựng (địa hình, địa chất, thủy văn), cắm cọc giải phóng mặt bằng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (35,93 tỷ đồng) được chỉ định cho Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 8 - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625.
Tại Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng đã chọn xong nhà thầu thực hiện Gói thầu số 02 Tư vấn khảo sát xây dựng, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán (Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam trúng thầu với giá 79,577 tỷ đồng); Gói thầu số 03 Tư vấn giám sát khảo sát xây dựng giai đoạn thiết kế kỹ thuật (1,166 tỷ đồng); Gói thầu số 04 Tư vấn thẩm tra thiết kế - dự toán (3,153 tỷ đồng)…
Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang cho biết đã ký hợp đồng tất cả các gói thầu chuẩn bị cho Dự án.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có Dự án đi qua đang chạy đua với thời gian để hoàn chỉnh các kế hoạch đề ra. Công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện theo cơ chế đặc thù (quy định tại Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) đang đi đúng lộ trình để đảm bảo khởi công Dự án trước ngày 30/6/2023.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, các địa phương phải cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. “Đây là các mốc tối quan trọng của Dự án và các địa phương có khối lượng công việc khổng lồ, cần huy động tối đa nguồn nhân lực để thực hiện đúng lộ trình”, ông Lâm nói.