Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Chậm tiến độ vì thiếu cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) đang bị chậm tiến độ vì thiếu cát đắp nền đường. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc để tháo gỡ bài toán vật liệu cho Dự án, nhưng trên thực tế, các nhà thầu vẫn khó tiếp cận, khai thác các mỏ vì thủ tục triển khai cần nhiều thời gian.
 Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ vì thiếu cát. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ vì thiếu cát. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

6 tháng thi công, sản lượng chỉ đạt 5%

Theo cập nhật của Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công từ ngày 1/1/2023. Sau 6 tháng đầu năm, sản lượng thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm 5% so với kế hoạch. “Do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến và đào bóc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm; ngoài ra một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời nên chưa thể tiếp cận thiết bị thi công”, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36 - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Xây dựng Tân Nam thi công với giá chỉ định thầu là hơn 7.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày.

Đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Gói thầu XL-02 có chiều dài hơn 23 km, do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thi công với giá chỉ định thầu hơn 3.717 tỷ đồng, thời gian thực hiện 1.020 ngày.

Thực tế, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3 và tập trung chủ yếu vào năm 2023 và 2024. Tính đến nay mới chỉ có tỉnh Đồng Tháp cung ứng được 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Hiện các nhà thầu tại đây đã tiếp nhận đủ khối lượng.

Ngoài 0,371 triệu m3 đã tiếp nhận, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đang tiếp tục triển khai thủ tục để có thể khai thác, cung cấp từ các mỏ cát trên địa bàn. “Tuy nhiên, còn mất rất nhiều thời gian do thủ tục phải qua nhiều bước thực hiện”, Chủ đầu tư chia sẻ.

Gấp rút hoàn thiện thủ tục, hỗ trợ nhà thầu có cát

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công Dự án đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu cát như An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long để triển khai các thủ tục theo quy định.

Theo hướng dẫn và trao đổi giữa Ban QLDA Mỹ Thuận và UBND tỉnh Đồng Tháp, các bước để thực hiện thủ tục mở mỏ dự kiến gồm: UBND Tỉnh giới thiệu các mỏ cát phục vụ công trình cho Bộ GTVT; Bộ GTVT có văn bản giới thiệu nhà thầu thi công để thực hiện dự án; nhà thầu thi công khảo sát vị trí mỏ để ghi nhận hiện trạng các mỏ và sự phù hợp; nhà thầu thi công thuê tư vấn đủ năng lực lập đề cương khảo sát nhanh và tiến hành khảo sát nhanh để xác định trữ lượng. Sau khi khảo sát xong, nhà thầu báo cáo kết quả khảo sát nhanh cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định trình UBND Tỉnh phê duyệt trữ lượng; nhà thầu thi công xác lập các hồ sơ có liên quan (thiết kế khai thác; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường (thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường); tiến hành lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị…; kê khai tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần khối lượng đăng ký này.

“Với những bước thực hiện như trên, hiện nhà thầu thi công đang triển khai song song nhưng cũng phải mất khoảng 2 tháng mới có thể hoàn thành (riêng công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng tải thông tin tham vấn cộng đồng khoảng 1 tháng)”, Chủ đầu tư cho biết.

Hiện cả Chủ đầu tư và các nhà thầu đều mong muốn Đồng Tháp sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện thủ tục mở mỏ theo cơ chế đặc thù của Dự án để thống nhất thực hiện đồng bộ đối với 6 mỏ mà UBND Tỉnh đã giới thiệu, bảo đảm tiến độ hoàn thiện thủ tục và khai thác cát trong cuối tháng 7/2023.

Tại An Giang, ngày 3/7/2023, UBND Tỉnh đã có văn bản thống nhất bố trí 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ các khu vực khai thác trên địa bàn Tỉnh; đồng thời chỉ đạo Sở TN&MT và các ngành liên quan rà soát khối lượng 2,2 triệu m3 cát còn lại để cung cấp đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại tỉnh Vĩnh Long, các nhà thầu đã tích cực làm việc với địa phương để hỗ trợ giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường cũng như chấp thuận cho thăm dò, thực hiện các thủ tục mở mỏ. Hiện các nhà thầu đã triển khai khảo sát khu mỏ trong phạm vi nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn và đang đợi văn bản giới thiệu mỏ cát cụ thể để triển khai thủ tục mở mỏ, khai thác kịp thời trong tháng 8/2023.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư