Cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung: Địa phương chờ... cơ chế giá vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hầu hết các địa phương tại miền Trung đã hoàn tất khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đang chờ các ban của Bộ Giao thông vận tải (đơn vị được giao đại diện Chủ đầu tư) công bố danh mục vật liệu được sử dụng và cơ chế giá vật liệu.
Hầu hết các địa phương tại miền Trung đã hoàn tất khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Song Lê
Hầu hết các địa phương tại miền Trung đã hoàn tất khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Song Lê

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành hai công văn, trong đó yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải - đơn vị phụ trách đoạn tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khẩn trương rà soát danh mục vật liệu phục vụ thi công để kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh phù hợp (hiện tại có 138 vật liệu đề nghị công bố giá). Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Ban Quản lý dự án 2 kịp thời công bố cho Sở Xây dựng Quảng Ngãi thông tin cụ thể về số lượng, trữ lượng, nhu cầu từng loại vật liệu, yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kĩ thuật, điều kiện và tiến độ thi công của Dự án trên địa bàn Tỉnh, cự ly vận chuyển và các thông tin cần thiết khác đảm bảo việc xây dựng, công bố đơn giá theo quy định.

Theo ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa phận Quảng Ngãi có chiều dài 60 km. Hiện công tác cắm mốc mặt bằng, xác định diện tích đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất dự án, khảo sát và quy hoạch các mỏ vật liệu đã cơ bản hoàn tất.

“Địa phương đang chờ hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Chủ đầu tư về xác định danh mục, giá vật liệu san lấp để chủ động cung ứng khi Dự án triển khai trên thực địa. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo thực hiện”, ông Phiên cho biết.

Đối với 27 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, địa phương đã khảo sát 14 mỏ đất (đã được quy hoạch, chưa được cấp phép khai thác) với trữ lượng khoảng 10,6 triệu m3; 15 mỏ cát đang khai thác với trữ lượng khoảng 1,68 triệu m3; 8 mỏ đá với trữ lượng khoảng 21 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu cho đoạn tuyến này, kể cả Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn...

Để chủ động nguồn vật liệu cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, từ tháng 3/2022, Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022. Trong đó có 28 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp; 1 mỏ cát, sỏi với tổng diện tích trên 660 ha. Nhiều nhất là huyện Gio Linh có 9 điểm mỏ và huyện Vĩnh Linh có 7 điểm mỏ. Đây cũng chính là 2 địa phương có Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua.

Với 126 km cao tốc qua địa bàn Quảng Bình, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, khối lượng vật liệu san lấp dự kiến cần khoảng 9 triệu m3, trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng hơn 6 triệu m3; Bùng - Vạn Ninh khoảng 1,6 triệu m3; Vạn Ninh - Cam Lộ khoảng 1,5 triệu m3. Hiện nay, Quảng Bình đã công bố 159 khu vực mỏ vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi, đất san lấp) với tổng diện tích hơn 1.835 ha, trữ lượng dự báo trên 854 triệu m3. Trong đó, 103 mỏ đã được UBND Tỉnh cấp phép đang có hiệu lực; 30 mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt; còn lại là các mỏ vật liệu san lấp chưa được phê duyệt quy hoạch nhưng có thể khảo sát đưa vào sử dụng cho Dự án…

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “UBND Tỉnh đã giao các địa phương và đơn vị liên quan xác định vị trí cần san lấp và tập kết đất dư, đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận của các địa phương nơi Dự án đi qua. Hiện việc xác định đã hoàn thành, địa phương đang chờ chính sách từ phía Chủ đầu tư”.

Trước vướng mắc của các địa phương, ông Lê Minh Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, tình hình chung tại các đoạn tuyến là đại diện Chủ đầu tư đã hoàn tất thuê tư vấn điều tra các mỏ vật liệu. Các ban đã có văn bản đề xuất sử dụng mỏ vật liệu gửi lãnh đạo địa phương và được xác nhận đồng ý.

Ngoài ra, theo ông Nam, trữ lượng đất, cát, đá cũng đã xác định, đang bổ sung thêm các thí nghiệm để đánh giá chất lượng, đặc biệt là chất lượng đá của bê tông nhựa. “Ở khu vực miền Trung, đá cho bê tông nhựa chất lượng kém, gặp thời tiết bất lợi hay bị bong tróc, cần nhiều thí nghiệm để đánh giá kỹ về chất lượng, độ bám dính và gắn kết nên tiến độ có thể kéo dài hơn dự kiến”.

Cũng theo ông Nam, nếu mỏ đá không đạt chất lượng, sẽ phải kiến nghị các giải pháp về mặt kĩ thuật hợp lý, hoặc sử dụng đá ở các mỏ có chất lượng đáp ứng với bê tông nhựa. Đối với đơn giá của nguồn vật liệu, khi đến giai đoạn hình thành gói thầu mới có thể đánh giá và đưa ra đơn giá dựa trên sự điều phối giữa các gói thầu, căn cứ vào khoảng cách vận chuyển để ban hành mức giá phù hợp.

Chuyên đề