(BĐT) - Kết thúc thời gian đăng ký và nộp tiền cọc đấu giá cổ phần vào ngày 16/3/2018, Công ty CP Đầu tư Vitasco, tiền thân là Công ty CP Vital - thành viên Tập đoàn Bitexco đã có công văn đăng ký mua toàn bộ 3.629.700 cổ phần của Công ty CP Du lịch Cao su Hàm Rồng (Harutour) thuộc sở hữu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
|
Dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng đã bị UBND tỉnh Lào Cai thu hồi do chậm tiến độ. Ảnh: Anh Tuấn |
Dự án bị thu hồi, kinh doanh sụt giảm
Việc bàn giao lại Dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng đã tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh của Harutour. Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, doanh thu từ bán vé tham quan núi Hàm Rồng chiếm 85,88% doanh thu thuần của doanh nghiệp. Mất đi mảng kinh doanh này, năm 2017, Công ty chỉ đạt khoảng 7,21 tỷ đồng doanh thu (tập trung chủ yếu vào mảng khách sạn và lữ hành), bằng hơn 22% so với mức 32,53 tỷ đồng năm 2016. Biên lợi nhuận và lãi ròng cũng sụt giảm mạnh. Dự kiến năm 2017, Harutour chỉ lãi 155 triệu đồng và không chi trả cổ tức.
Dưới góc độ tài chính, cơ cấu tài sản của Harutour tại thời điểm 31/12/2016 khá tốt. Công ty có hệ số thanh toán nhanh khá cao, lên tới 8,9 lần, tiền mặt và khoản tiền gửi ngắn hạn khoảng 96,2 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản. Công ty không có các khoản vay nợ ngân hàng.
Saigontourist rút lui nhường chỗ cho Bitexco
Trong phiên đấu giá vào ngày 26/3 tới đây, với mức giá khởi điểm 15.000 đồng/CP, Vitasco dự kiến chi khoảng 54 tỷ đồng để sở hữu 27,5% vốn của Harutour.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Saigontourist mới chỉ “bén duyên” với Harutour vào năm 2016 khi Harutour thực hiện tăng vốn từ 66 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng cho đối tác chiến lược nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Ngoài Saigontourist sở hữu 3,63 triệu cổ phần thì đối tác còn lại là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu, Du lịch và Đầu tư Hồ Gươm sở hữu 22,5% vốn, tương đương với 2,97 triệu cổ phần. Mức giá phát hành theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Phải chăng việc Dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng bị thu hồi đất và quyết định đầu tư vào cuối năm 2016 đã khiến cho Saigontourist phải lên kế hoạch rút lui và thu hồi vốn?
Về phía Bitexco, đơn vị hiện đang sở hữu Dự án Khu đô thị sinh thái The Manor Eco Lào Cai với quy mô 14 ha tọa lạc ngay trung tâm TP. Lào Cai. Việc Saigontourist rút lui đã mở ra cơ hội lớn cho Bitexco gia tăng đầu tư tại Sa Pa. Sự tham gia của Bitexco - tập đoàn phát triển bất động sản tư nhân được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Harutour mở rộng hoạt động, cũng như hồi sinh Dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng.
Tuy nhiên, việc được cấp phép đầu tư trở lại đối với Dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng là không hề đơn giản. Đây sẽ là thách thức lớn với các cổ đông mới của Harutour.
Công ty CP Du lịch Cao su Hàm Rồng (Harutour) là chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 2/7/2009 với tổng diện tích 146,27 ha và tổng mức đầu tư 496,629 tỷ đồng. Thế nhưng sau 7 năm triển khai, Chủ đầu tư mới chỉ thi công xây dựng một số hạng mục nâng cấp, mở rộng đường đi bộ. Cuối năm 2016, giá trị đầu tư mới đạt khoảng 49,81 tỷ đồng, bằng khoảng 10% tổng mức đầu tư. Do đó, ngày 13/7/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định thu hồi đất dự án và đến ngày 13/7/2017, Sở Tài chính Lào Cai đã có Văn bản số 1417/STC-QLG gửi UBND tỉnh Lào Cai đề xuất phương án hỗ trợ tiền đất và tài sản trên đất cho Chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND tỉnh Lào Cai đang xem xét và chưa có chỉ đạo cụ thể.