Cảnh giác với rủi ro tài chính, tài khóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh bất định trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng chống chịu với kết quả tốt trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả trong và ngoài nước do đợt bùng phát dịch lần thứ tư và cần sự theo dõi chặt chẽ, chính sách ứng phó của Chính phủ.
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt từ 6,5% đến 7% từ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt từ 6,5% đến 7% từ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Theo bà Dorsati Madini, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, một phần do tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vắc xin vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch Covid-19 năm 2020. Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước và từ khu vực kinh tế đối ngoại nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra.

Tại Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2021 vừa được công bố, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,5% đến 7% từ năm 2022. Dự báo này được điều chỉnh giảm so với dự báo 6,8% cho năm 2021 trong Báo cáo Điểm lại kỳ trước, ban hành vào tháng 12/2020. Dự báo này cũng thấp hơn so với mục tiêu tăng trường 6% của Chính phủ trong năm 2021.

WB lưu ý, viễn cảnh kinh tế trong ngắn và trung hạn của Việt Nam phụ thuộc vào một số yếu tố: tốc độ tiêm vắc xin trong nước; diễn biến của đại dịch; quá trình phục hồi hoạt động kinh tế ở các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi ở Việt Nam. Nếu một hoặc nhiều rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, thì nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ không hồi phục như dự kiến, dẫn đến nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022.

WB cũng nhận định, khó khăn kéo dài đã chỉ ra thêm những thách thức mang tính cấu trúc trong nước, đòi hỏi các chính sách ứng phó của Chính phủ. WB nêu ra 3 khuyến nghị lớn.

Đầu tiên là phải xử lý hệ quả xã hội của khủng hoảng, các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc tăng cường phạm vi bao phủ, xác định đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ trong các chương trình an sinh xã hội để bảo đảm những nạn nhân hiện tại và tương lai của các cú sốc tự nhiên hay kinh tế nhận được hỗ trợ đầy đủ.

Thứ hai, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên. Cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu, một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng. Điều cần làm nữa là xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.

Thứ ba, cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt dịch hiện nay không sớm được kiểm soát, hoặc những đợt dịch mới bùng lên trong những tháng tiếp theo. Khi đó, Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, đến nay vẫn ở mức khiêm tốn, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Một số ngành nghề đang gặp khó khăn tài chính, như ngành du lịch và hàng không, đến nay chủ yếu được hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ thích ứng, nhưng có thể cũng cần can thiệp trực tiếp từ Nhà nước nếu tình hình không cải thiện…

“Tại thời điểm hiện tại, rủi ro tài khóa có vẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ”, chuyên gia của WB nhấn mạnh.

Chuyên đề