Người có nhu cầu mua nhà đất tại các dự án hoàn vốn Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cần thận trọng, tránh thiệt hại do thiếu thông tin. Ảnh: Lê Tiên |
Trong những số báo gần đây, Báo Đấu thầu đã đề cập đến Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) do Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) là nhà đầu tư và CTCP Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) là doanh nghiệp dự án (DNDA), được đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Trong khi Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây nhiều khả năng không đảm bảo tiến độ (hạn cuối hoàn thành 31/12/2016) thì cuộc chiến giành quyền kiểm soát Cienco 5 Land mà thực chất là giành quyền kiểm soát, kinh doanh các dự án bất động sản (dự án hoàn vốn cho nhà đầu tư) đã diễn ra khốc liệt.
Mua đất không làm được sổ đỏ
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Cienco 5 cho biết có rất nhiều rủi ro khi nhà đầu tư mua nhà, đất tại các dự án Thanh Hà - Cienco 5, Dự án Mỹ Hưng – Cienco 5, nếu thực hiện giao dịch với Cienco 5 Land khi chưa có sự đồng ý của Cienco 5.
Vị đại diện này cho rằng, Cienco 5 Land chỉ là doanh nghiệp thực hiện dự án, Cienco 5 mới là nhà đầu tư Dự án BT, chủ đầu tư dự án đối ứng. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có nhà đầu tư – đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng với phần giá trị Dự án BT hoàn thành – mới đủ tư cách pháp lý đứng ra làm sổ đỏ cho người mua. “Trên tất cả các văn bản pháp lý của Dự án như: Giấy chứng nhận đầu tư, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được ký kết với Sở GTVT Hà Tây ngày 18/4/2008, Phụ lục hợp đồng BT được ký kết vào tháng 7/2014 giữa Sở GTVT Hà Nội và Cienco 5, Cienco 5 Land, các quyết định cho phép đầu tư xây dựng dự án hoàn vốn... vai trò nhà đầu tư, chủ đầu tư của Cienco 5 luôn được khẳng định” – vị này nhấn mạnh.
Đại diện Cienco 5 thừa nhận, hiện tại dưới góc độ sở hữu vốn điều lệ ghi nhận tại Cienco 5 Land, Cienco 5 không chi phối được hoạt động của Cienco 5 Land. Trên thực tế, trong một thời gian dài mặc dù là DNDA thực hiện dự án theo ủy quyền của nhà đầu tư nhưng nhiều hoạt động, quyết định của Cienco 5 Land liên quan tới Dự án BT, dự án hoàn vốn không được thông qua Cienco 5. Để xảy ra tình trạng như đã nêu trên là do ngay từ đề án lựa chọn doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đã xác định tỷ lệ sở hữu vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là 49% vốn điều lệ - không chi phối được hoạt động của DNDA. “Điều này tạo điều kiện cho việc huy động vốn, chuyển nhượng vốn điều lệ mà thực chất là chuyển nhượng dự án bất hợp pháp. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và cơ quan chức năng để rà soát lại toàn bộ quá trình lựa chọn doanh nghiệp triển khai thực hiện Dự án BT, dự án đối ứng, quá trình triển khai thực hiện các dự án trên” – vị này cho biết.
Kịch bản cho Dự án BT
Theo Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty Luật The Light (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc hủy các văn bản đã ban hành của một doanh nghiệp là điều rất bình thường. Nếu thu lại quyền thực hiện dự án, Cienco 5 sẽ phải quyết toán các chi phí mà Cienco 5 Land đã thực hiện triển khai dự án. Ông Đại nhấn mạnh, theo quy định của Luật Đầu tư thì trong trường hợp biến động về vốn góp hay mua lại cổ phần tại Cienco 5 Land thì Cenco 5 về mặt pháp lý vẫn là nhà đầu tư. Và như vậy chỉ có Cenco 5 mới có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến dự án cũng như thực hiện các thủ tục, quan hệ pháp luật khác. Việc Cienco 5 Land tự ý bán một phần cho DN khác hoặc thực hiện các giao dịch pháp lý có liên quan đến Dự án mà chưa thực hiện thủ tục theo Điều 45 của Luật Doanh nghiệp và Điều 37 Nghị định 118 thì các giao dịch đó hoàn toàn vô hiệu.