Cẩn trọng với trái phiếu điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, thị trường trái phiếu đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời. Trong khi nhiều dự án điện mặt trời hiện hữu chưa được giải tỏa công suất, làn sóng đầu tư ồ ạt này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư.
Các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị quá tải công suất. Ảnh: Trung Thành
Các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị quá tải công suất. Ảnh: Trung Thành

Dự án điện mặt trời hút hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu

Sức hấp dẫn về mức giá mua điện mặt trời cùng với nhiều ưu đãi về thuế, phí đã và đang khiến các chủ đầu tư lao vào cuộc đua trong lĩnh vực này. Ngay cả những doanh nghiệp tiềm lực tài chính kém cũng bằng mọi giá huy động vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm thu về lợi nhuận khủng mà họ “vẽ” ra. Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, trái phiếu được xem là công cụ tài chính hiệu quả hút hàng chục nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Từ ngày 25/6 - 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng) huy động được 7.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Xuân Thiện còn thông qua 2 công ty thành viên là Công ty Xuân Thiện Ninh Thuận và Công ty Xuân Thiện Thuận Bắc thực hiện Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 256,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Ngày 28/8/2020, hai công ty này đã phát hành thành công 3.290 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 1 - 10 năm.

Xuân Thiện không phải là doanh nghiệp duy nhất huy động được hàng nghìn tỷ đồng làm dự án điện mặt trời. Cuối tháng 8/2020, Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn cũng thông qua 2 công ty con huy động được 1.500 tỷ đồng trái phiếu. Hai doanh nghiệp này đang vận hành Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2, cùng được xây dựng tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận do Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Các công ty phát triển dự án điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam cũng huy động được hơn 4.000 tỷ đồng.

Thận trọng rủi ro

Giống như bất động sản, các dự án điện mặt trời sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Làn sóng ồ ạt phát hành trái phiếu để phát triển dự án điện mặt trời khiến nhiều ý kiến lo ngại liệu có xảy ra rủi ro tương tự như trái phiếu bất động sản? Cho dù không giống với bất động sản, dự án điện mặt trời được khuyến khích vì cả nước đang thiếu điện, lãi suất không cao, song các dự án lại tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị quá tải công suất.

Điều này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo từ giữa năm 2019. Nguồn công suất tại chỗ lớn nhưng phụ tải của Bình Thuận và Ninh Thuận rất nhỏ, hệ thống lưới điện quá tải, trong đó có đường dây quá tải đến 360%, buộc phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Giải pháp duy nhất để giải tỏa công suất là đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, tuy nhiên, cũng phải mất từ 3 - 6 năm.

Trên thực tế, những khó khăn với doanh nghiệp điện mặt trời đã bắt đầu lộ diện khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực (ngày 22/5/2020). Theo đó, giá mua điện đã giảm khá nhiều so với mức giá ưu đãi cũ. Đối với Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh. Tức là các doanh nghiệp chỉ còn 4 tháng nữa để chạy đua hoàn tất vận hành nhà máy nếu muốn bán điện giá cao trong vòng 20 năm. “Tuy nhiên, điều này khó khả thi bởi từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 đã đẩy lùi mọi thứ”, đại diện một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ.

Cuối năm 2019, chính Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn cũng phải kêu cứu lên Chính phủ vì giá điện mặt trời quá thấp khiến Công ty lo ngại rơi vào trường hợp phá sản.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời, bởi rủi ro các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, “tay không bắt giặc”, không thực hiện dự án đúng tiến độ…

“Trái chủ phải phân tích xem các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ hay không? Hiện nhiều nhà đầu tư không có khả năng phân tích đòn bẩy tài chính doanh nghiệp nhưng thấy có ngân hàng bảo lãnh, lãi suất cao trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp là đổ tiền mua mà không hề biết rằng có lô trái phiếu ngân hàng chỉ phân phối, không bảo lãnh. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, cần thận trọng”, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên đề