Cần thêm cơ chế tạo động lực cho hợp tác xã phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hợp tác xã (HTX) là nòng cốt của khu vực kinh tế tập thể, song mức độ đóng góp vào nền kinh tế có chiều hướng giảm dần (từ 5% năm 2013 xuống còn 3,7% năm 2020). Tại Hội thảo Đối thoại chính sách lấy ý kiến về Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) diễn ra ngày 28/10/2021 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, phải có những chính sách để mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển.
Mức độ đóng góp của khu vực hợp tác xã vào nền kinh tế có chiều hướng giảm dần. Ảnh: Huấn Anh
Mức độ đóng góp của khu vực hợp tác xã vào nền kinh tế có chiều hướng giảm dần. Ảnh: Huấn Anh

TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Tổng giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự cho biết, đã có những chính sách khuyến khích người dân tham gia HTX, nhưng thực tế cho thấy sức hút chưa đủ lớn; khâu quản lý, điều hành HTX, các tổ hợp tác chưa thực sự ổn thỏa nên người dân không mặn mà với mô hình HTX. Luật HTX 2012 có những chính sách ưu đãi đối với người dân tham gia vào tổ hợp tác, HTX nhưng những chính sách này chưa đến trực tiếp người dân nên họ không mặn mà.

Theo phản ánh từ các địa phương, đa số HTX, nhất là HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất, chế biến; chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; khó huy động vốn tín dụng để đầu tư; mức độ liên kết gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn thấp; khả năng cạnh tranh trên thị trường rất yếu; năng lực đội ngũ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong HTX còn lỏng lẻo, thiếu động lực. HTX cũng chưa phát huy được nội lực, tự chủ và gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Một số HTX nông nghiệp tại Lâm Đồng cho biết, do nguồn vốn, quy mô sản xuất nhỏ, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản yếu, nên sự phát triển của HTX thiếu bền vững, bộc lộ nhiều hạn chế khi gặp phải khó khăn như đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, không đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Việc chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập. Hiện có hơn 3.000 HTX có tên nhưng không hoạt động mà không được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng xấu đến phong trào phát triển HTX.

Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, sau gần 10 năm triển khai Luật HTX, bên cạnh những mặt được đã bộc lộ không ít điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để HTX có “đà” phát triển.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 26.642 HTX và có hơn 6 triệu người lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể, HTX (trong đó có khoảng 5,7 triệu thành viên của HTX). Lao động thường xuyên trong HTX khoảng 807.888 người với thu nhập bình quân của mỗi thành viên là 51,3 triệu đồng/năm.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong việc xây dựng Dự án Luật HTX (sửa đổi), cần bổ sung nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác. HTX, liên hiệp HTX phải được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước giống như các doanh nghiệp có cùng quy mô và hoạt động trong cùng lĩnh vực; ưu tiên thực hiện chính sách đối với các tổ chức kinh tế hợp tác định hướng nâng cao bản chất HTX; đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản của các tổ chức kinh tế hợp tác, bổ sung các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thúc đẩy tổ hợp tác phát triển thành HTX.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc phải xây dựng và ban hành chính sách mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn cho HTX, tạo động lực cho HTX phát triển. Theo đó, phải sửa đổi, thay thế quy định cản trở HTX, liên minh HTX gia nhập thị trường nhưng bảo đảm không làm thay đổi bản chất HTX. Bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng huy động vốn góp cho HTX thông qua sửa đổi quy định tăng tỷ lệ vốn góp thành viên, cho phép HTX, liên hiệp HTX sử dụng tài sản không chia để thế chấp, cầm cố vay các tổ chức tín dụng; hoàn thiện quy định liên quan đến quản lý tài sản, tài chính, phân phối thu nhập, trích lập quỹ, tạo động lực cho HTX, liên hiệp HTX phát triển.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia khuyến nghị cần bổ sung quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty TNHH hai thành viên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các đối tượng pháp nhân trong khu vực kinh tế tập thể được phép trở thành thành viên, góp vốn điều lệ vào Quỹ. Quỹ này hoạt động theo mô hình HTX, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Quỹ không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác tiếp cận vốn thương mại, hỗ trợ một phần lãi suất, cung cấp tín dụng, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Chuyên đề