Cần thay đổi cái nhìn về kinh tế hợp tác xã

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 6/4, tại Tọa đàm Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, cần cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về vai trò, vị trí của hợp tác xã.
Hợp tác xã cũng cần kết nối với doanh nghiệp để tạo ra động lực mới. Ảnh minh họa: Internet
Hợp tác xã cũng cần kết nối với doanh nghiệp để tạo ra động lực mới. Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, hợp tác xã còn nhiều khó khăn nhưng trong đội ngũ những giám đốc hợp tác xã trẻ có sự dấn thân và năng động tiếp cận những cái mới.

"Chúng ta cần có một chương trình hành động chung trí thức hóa, nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo và thành viên của hợp tác xã. Hợp tác xã cũng cần kết nối với doanh nghiệp để tạo ra động lực mới, để người dân thấy rằng khi tham gia hợp tác xã thì chi phí giảm đi, có thị trường ổn định, có thể tham gia vào một chuỗi ngành hàng dưới quy mô hợp tác xã cho phép", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cần có công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục để cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của hợp tác xã.

"Bản chất của hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn. Chúng ta phải bám sát bản chất đó là tập hợp các thành viên có cùng chí hướng với nhau, hợp tác vì mục tiêu chia sẻ vì kinh tế xã hội và văn hóa", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong 10 năm khi tổng kết thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, mô hình hợp tác xã đạt được rất nhiều kết quả tích cực với hơn 29.000 hợp tác xã và liên minh hợp tác xã được thành lập. Trong đó, nhiều hợp tác xã hoạt động với mô hình mạnh mẽ, doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp chiếm đa số với hơn 70%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn và thách thức. "Hợp tác xã của chúng ta phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu và sự liên kết hợp tác giữa các tổ chức để tăng cường sử dụng các sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt, hiện nay, hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, nhất đội ngũ cán bộ quản lý so sánh với các mô hình khác thì còn nhiều hạn chế. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp, chưa bằng 50% so với khu vực doanh nghiệp", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.

Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Hợp tác xã 2012, trong đó có một số nội dung chính như: quy hoạch đồng bộ các loại hình tổ chức hợp tác xã; quy định về mô hình quản lý và chính sách phù hợp với số lượng thành viên trong từng hợp tác xã; quy định đầy đủ 8 nhóm chính sách lớn về phát triển kinh tế tập thể...

Chuyên đề