Cần khẩn trương có giải pháp cho gói thầu bị “đội giá” vì lý do bất khả kháng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Công ty CP Xây dựng 47 (C47) đã tham gia thi công nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, dân dụng và công nghiệp trên khắp cả nước, trong đó có Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Trong quá trình thi công, chúng tôi nhận thấy cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với nhà thầu “mắc kẹt” ở những gói thầu bị “đội giá” vì lý do bất khả kháng được thực hiện theo loại hợp đồng đơn giá cố định hoặc trọn gói.

Ông Cao Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng 47

Cụ thể, chúng tôi liên danh cùng 2 nhà thầu thực hiện thi công một gói thầu xây lắp thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ngay sau khi nhận mặt bằng, C47 đã bắt tay vào thi công. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên quá trình thi công bị gián đoạn. Tháng 10/2021, khu vực Thủy điện Hòa Bình xảy ra mưa lớn làm sạt lở nghiêm trọng nên nhà thầu buộc phải dừng thi công để xử lý; giá cả nhiên nguyên vật liệu tăng cao, giá nhân công tăng đột biến… Những yếu tố này đã khiến chi phí thực hiện gói thầu tăng cao.

Từ giữa năm 2022, chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản đề nghị Chủ đầu tư báo cáo cấp thẩm quyền xem xét kích hoạt trường hợp bất khả kháng của hợp đồng, cho phép áp dụng điều chỉnh giá nhằm bù trượt giá cho các nhà thầu. Song, hiện những khó khăn này vẫn còn nguyên.

Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đào hầm xong, hiện chỉ còn làm bê tông, đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng, phấn đấu đưa Tổ máy số 1 phát điện vào giữa năm 2025. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cấp thẩm quyền khẩn trương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho C47 cùng các thành viên trong Liên danh cũng như những nhà thầu khác đang bị thua lỗ lớn do trượt giá.

Chuyên đề