Cần gói hỗ trợ tín dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ đang thực thi một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những giải pháp đó là phù hợp với điều kiện kinh tế và ngân sách hiện nay nhưng chưa đủ, cần nghiên cứu thêm gói hỗ trợ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số lĩnh vực chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và có tiềm năng hồi phục tích cực sau dịch.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19, cần được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19, cần được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi. Ảnh: Lê Tiên

Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp hỗ trợ thuế, phí và kêu gọi các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua?

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Các chỉ báo kinh tế vĩ mô cho thấy hoạt động của doanh nghiệp suy giảm đang ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ của nền kinh tế. Có thể thấy là Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm qua và hiện nay. Ở thời điểm này, các giải pháp cần được thúc đẩy thực thi nhanh hơn, đồng thời, cần nhanh chóng nghiên cứu các giải pháp tiếp theo để giúp doanh nghiệp có sức cầm cự và chuẩn bị nguồn lực hồi phục, đón đầu các cơ hội kinh doanh sau dịch.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu giảm 30 - 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Theo ông, cần thêm giải pháp hỗ trợ nào?

Bên cạnh các giải pháp hiện có, cần nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3 - 4%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương... chứ không đại trà. Tại sao lại dành cho DNNVV? Bởi vì, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19, nhưng là nhóm doanh nghiệp năng động và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Còn các doanh nghiệp lớn trong những lĩnh vực đặc thù chịu tác động mạnh của dịch bệnh như hàng không, giao thông đã và đang được nghiên cứu chính sách cứu trợ. Tuy nhiên, trong số DNNVV cũng cần chia nhóm theo lĩnh vực/khu vực chịu tác động để có thể hỗ trợ tốt nhất.

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Nguồn lực hỗ trợ nên đến từ ngân sách nhà nước. Có thể làm theo cách, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng của ngân hàng ở mức lãi suất khoảng 7 - 8%/năm nhưng doanh nghiệp chỉ phải trả 3 - 4%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù.

Ước tính, với gói tín dụng này, ngân sách nhà nước cần chi khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng, không quá lớn nhưng tác động sẽ rất tốt cho khối DNNVV, tăng khả năng tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ngặt nghèo về dòng tiền và thanh khoản. Đây cũng là chính sách được nhiều nước trên thế giới triển khai.

Thời hạn áp dụng có thể là 1 năm, sau đó tiếp tục xem xét hiệu quả thực thi và diễn biến kiểm soát dịch bệnh để gia hạn và mở rộng quy mô gói tín dụng. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, vắc xin được tiêm diện rộng thì 1 năm là đủ để doanh nghiệp khôi phục nguồn lực và tiếp cận vốn ngân hàng cũng như những nguồn vốn khác.

Cũng cần tính dự phòng khả năng dịch bệnh còn phức tạp, có thể tăng quy mô gói tín dụng lên 100 nghìn tỷ đồng hoặc hơn, kéo dài hơn 1 năm. Việc này cần được tính toán theo hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và nguồn lực ngân sách. Quan trọng nhất là đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

“Đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ” là yêu cầu không dễ thực hiện, có cách nào ngăn chặn dòng vốn hỗ trợ này đổ vào các kênh đầu tư rủi ro không, thưa ông?

Kiểm soát dòng tín dụng đến đúng địa chỉ là yêu cầu cần thiết nhưng không nên quá cầu toàn. Quan trọng nhất là tiêu chí về địa bàn, lĩnh vực thật rõ ràng, tránh gây tâm lý “sợ trách nhiệm không dám làm” khiến doanh nghiệp chờ mòn mỏi và suy yếu đến mức không cần nhận hỗ trợ để làm gì nữa vì quá muộn.

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp như ông đề xuất là dòng vốn giá rẻ có thể để lại một số “tác dụng phụ” với nền kinh tế như đẩy lạm phát tăng cao, bong bóng tài sản... Theo ông, cần làm gì để hạn chế điều này?

Chính sách hỗ trợ nào cũng có cả mặt tích cực và có thể có một số điều không mong muốn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, quan điểm của Chính phủ rất rõ là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với lạm phát, nên các cơ quan chức năng luôn luôn quan sát, cảnh báo kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường, cũng như kiểm soát để dòng vốn đi đúng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây là yêu cầu cần và đủ để chính sách hỗ trợ này thực sự có hiệu quả và lành mạnh.

Chuyên đề