Cân đối ngân sách vững chắc, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 ước vượt dự toán, song nhiều khoản thu quan trọng có thể không đạt, ngân sách trung ương (NSTW) hụt thu khá lớn. Năm 2022, để bảo đảm cân đối ngân sách vững chắc, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng, các cơ quan của Quốc hội cho rằng, cần tính toán lại các khoản dự thu tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên và tập trung giải ngân đầu tư công...
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc dự toán khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022 từ các khu vực sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến. Ảnh: Nhã Chi
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc dự toán khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022 từ các khu vực sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 20/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSSN năm 2021, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022

Về thu NSNN năm 2021, Ủy ban TCNS cho biết, tổng số thu cân đối ước vượt dự toán nhưng nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc. Thu NSTW hụt khá lớn, khoảng 28 - 29 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của NSTW.

Về chi NSNN năm 2021, chi thường xuyên ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Ủy ban TCNS đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương.

Do còn nhiều nhiệm vụ chi phòng chống dịch dự kiến phát sinh lớn, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm cân đối NSNN, đồng thời trong những tháng cuối năm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, có phương án chủ động bố trí nguồn khi phát sinh nhiệm vụ.

Ủy ban TCNS cho rằng, dự toán thu NSNN năm 2022 xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4%, song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Ủy ban TCNS cho rằng, việc dự toán khoản thu từ các khu vực sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến. Đặc biệt, dự kiến nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là còn thấp. Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý. Về thu từ dầu thô, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp.

Về dự toán chi NSNN, một số điểm lưu ý của Ủy ban TCNS là ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện chế độ báo cáo theo luật định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi thường xuyên để bảo đảm hợp lý, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thu NSNN cả năm 2021 ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP).

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, quan điểm chỉ đạo, điều hành là điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp, khả thi, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài; tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021 là thu NSNN ước vượt dự toán, bội chi NSNN trong phạm vi dự toán. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ NSTW, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo bổ sung, làm rõ nguyên nhân các khoản thu vượt dự toán, nhất là khoản tăng thu từ đất. Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP.

Chuyên đề