Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai nhiệm vụ được giao và một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đất nước thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Một trong những nguồn lực bên trong rất quan trọng là giá trị con người Việt Nam, cơ chế, chính sách, đường lối, tổ chức, vận hành tốt hay xấu đều do yếu tố con người quyết định. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Một trong những nguồn lực bên trong rất quan trọng là giá trị con người Việt Nam, cơ chế, chính sách, đường lối, tổ chức, vận hành tốt hay xấu đều do yếu tố con người quyết định. Ảnh: VGP

Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, cùng cán bộ lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Văn phòng Chính phủ (VPCP).

Tại cuộc họp, Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là công tác tham mưu tổng hợp, xây dựng chiến lược, quy hoạch kế hoạch và các cơ chế, chính sách điều hành phát triển KTXH; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng công tác thống kê, thông tin, báo cáo, phân tích, dự báo; đồng thời, nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần quan tâm giải quyết và đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo yêu cầu và tinh thần gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, cuộc họp đã tập trung bàn kỹ, thảo luận sâu về những thành tựu, kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm rút ra và những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên giải quyết trong năm 2021-2022 để tạo động lực mới, khơi dậy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông các nguồn lực phát triển, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trình Chính phủ trong tháng 5/2021 và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định.

Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng còn gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 và các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trình Chính phủ trong tháng 5/2021. Tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, tập trung đầu tư vào vùng trọng điểm và các cực tăng trưởng, tránh phân tán và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng để tranh thủ các dòng dịch chuyển vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Bộ đang xây dựng Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh định hướng đến năm 2030, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2021. Xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2021; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2021.

Bộ cũng xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, báo cáo trong năm 2021. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế thí điểm cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo, xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC) để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kết nối tài năng, thúc đẩy khởi nghiệp, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Đổi mới tư duy, kiến tạo phát triển, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản đồng ý nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ KH&ĐT và ý kiến của các đại biểu dự họp; ghi nhận và biểu dương các thành tích mà Bộ KH&ĐT và ngành KH&ĐT đã đạt được, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Để có được thành tích này, theo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm của ngành KH&ĐT và nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&ĐT và toàn ngành KH&ĐT trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý những vấn đề cần quan tâm giải quyết và đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Bộ KH&ĐT và các đại biểu dự họp; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết từng vấn đề theo lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo tinh thần “báo cáo đã giải quyết được việc gì, chưa giải quyết được việc gì, việc gì còn khó khăn, ai phải giải quyết”.

Gợi mở một số định hướng mang tính tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần chung là phải phát huy thành tích đã đạt được để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ cho năm 2021 và những năm tiếp theo; trước mắt, thực hiện thật tốt Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ về triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn.

Bộ KH&ĐT phải đoàn kết, thống nhất cao với tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, biến cái không quan trọng trở thành quan trọng mới là quan trọng.

Là cơ quan tham mưu chiến lược, Bộ KH&ĐT cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định. Thủ tướng cho biết, một trong những nguồn lực bên trong rất quan trọng là giá trị con người Việt Nam, “cơ chế, chính sách, đường lối, tổ chức, vận hành tốt hay xấu đều do yếu tố con người quyết định”. Cần đặc biệt tập trung phát huy giá trị con người Việt Nam. Chú trọng hơn việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thiên nhiên như đất đai, tài nguyên, rừng, biển, không khí, môi trường… phục vụ cho phát triển đất nước. Đặc biệt, cần đưa truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống đoàn kết thống nhất của dân tộc ta thành nguồn lực phát triển. Bộ KH&ĐT cần tập trung tham mưu các cơ chế, chính sách để khai thác các nguồn lực này.

Về mối quan hệ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh: Nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài, là quyết định; ngoại lực là quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá, trong đó có các yếu tố như vốn, khoa học công nghệ, trình độ, kinh nghiệm quản lý, thị trường… Khi thiết kế các cơ chế chính sách, cần quán triệt thông suốt quan điểm phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trước mắt cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện cho phát triển các khu công nghiệp và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả và giao cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định và chịu trách nhiệm.

Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Bộ KH&ĐT cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và mỗi đảng viên. Đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, Kết luận 74 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tinh thần là một việc chỉ giao cho một người và một người làm nhiều việc. Xây dựng, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, cán bộ theo hướng tăng cường cho thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, huy động nguồn lực, tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp phát triển, giảm các bộ phận liên quan đến nhiệm vụ phân bổ nguồn lực, phân chia ngân sách, đầu tư công (khẩn trương cơ cấu lại vấn đề này). Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phải có tầm nhìn, khả thi. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thiết kế công cụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát nguồn lực. Tập trung mạnh mẽ xây dựng thể chế, trong đó rà soát, tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo về cơ chế, chính sách. Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp một cách khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cống hiến cao nhất cho đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần giải quyết khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp là: Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần giải quyết khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp là: Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm. Ảnh: VGP

Bộ KH&ĐT cần tập trung nghiên cứu, tham mưu sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tập trung cho các khâu đột phá chiến lược trên tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các lĩnh vực, trong đó có công nghiệp dịch vụ, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng của công nghiệp sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới tư duy sáng tạo dựa trên thực tiễn của đất nước, dự báo chiến lược, xóa bỏ tư duy quan liêu bao cấp, xin-cho, dựa dẫm. Phát triển nền kinh tế đa thành phần một cách bình đẳng; hội nhập sâu rộng nhưng có lộ trình, hiệu quả, bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định, an ninh, công bằng và tiến bộ xã hội.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT phải nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn; linh hoạt, sáng tạo trong quản lý, điều hành, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Công tác thống kê phải chính xác, trung thực và kịp thời, có phân tích, đánh giá để đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả. Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ KH&ĐT cần chú ý lắng nghe, cầu thị, khiêm tốn, học hỏi những góp ý xây dựng, trách nhiệm, tâm huyết, nhất là các ý kiến phát biểu để đi đến thống nhất, có chiều sâu, sát thực tế, hiệu quả trong thực hiện, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ với các khó khăn của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần giải quyết khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp là không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm (3 không). “Các bộ, ngành, địa phương khó khăn thì mới cần đến Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Bộ KH&ĐT để giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ tổ chức quán triệt, thực hiện trong toàn Bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, trong đó, tập trung vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát. Bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, cải cách, xứng đáng là cơ quan tham mưu quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Chuyên đề