Ví MoMo cảnh báo người dùng nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài khoản cá nhân. |
Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng “Giả mạo VNPAY cho vay tín dụng cá nhân”. Theo công ty này, gần đây, xuất hiện tình trạng các ngân hàng, công ty fintech, ví điện tử…, trong đó có VNPAY, bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo khách hàng. Các đối tượng này lợi dụng uy tín của đơn vị bị mạo danh và thông báo cho vay tín dụng cá nhân, sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả, download app giả mạo, nhập thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân chỉ định để chứng minh thu nhập và chiếm đoạt tài sản.
Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi bởi các đối tượng này đã lợi dụng lòng tin của người dùng khiến người dùng có thể gặp rủi ro bị đánh cắp thông tin ngân hàng, các thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền mà mà nạn nhân không hề biết.
Trước đó, ví MoMo cũng cảnh báo người dùng nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài khoản cá nhân trước hành vi giả mạo MoMo để lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài khoản bằng cách yêu cầu người dùng điền Mật khẩu, OTP qua link trên google về chương trình “Gói cứu trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch".
Theo đó, một số đối tượng đã tạo email giả mạo Ví MoMo thông báo hỗ trợ 1 triệu đồng với nội dung “Gói hỗ trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch”. Gửi kèm email là đường link Google Form yêu cầu người dùng điền thông tin cá nhân bao gồm số MoMo, OTP, mật khẩu đăng nhập Ví MoMo. Khi có 3 thông tin quan trọng này (số MoMo, mật khẩu và mã xác thực OTP) các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền trong Ví hoặc lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Ví MoMo khẳng định hiện công ty không có chương trình “Gói hỗ trợ gói hỗ trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch".
Ngoài ra, MoMo không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP, mật khẩu. Mật khẩu và OTP là tài sản cá nhân của người dùng và được chính người dùng sử dụng để đăng nhập Ví MoMo.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo với phương thức tương tự. Ngân hàng VPBank cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn, kẻ gian đã thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các chiêu thức lừa đảo này không quá mới mẻ nhưng đánh vào lòng tin, sự khó khăn do dịch bệnh và thường xuyên biến hóa nên người dùng vẫn mắc bẫy của kẻ gian.
Kẻ gian lập tài khoản Zalo với tên và hình ảnh của người dùng, đồng thời mở tài khoản trùng tên tại ngân hàng. Kẻ gian kết bạn và nhắn tin cho bạn bè/người thân trong danh sách bạn bè (friendlist), trình bày khó khăn, hỏi vay tiền sau đó cung cấp số tài khoản giả mạo trùng tên để nhận tiền. Khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.
VPBank khuyến cáo người dùng cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền/thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội. Khách hàng cần xác thực thông tin bạn bè/người thân (qua điện thoại hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện chuyển tiền/thanh toán. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, Bộ Y tế,...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng cần liên hệ ngay với Cơ quan Công an nơi gần nhất và thông báo cho VPBank.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các chiêu thức lừa đảo là không mới song nhiều người dùng vẫn có thể mắc lừa và chịu thiệt thòi do người dùng thiếu cảnh giác khi thấy có mối lợi. Bên cạnh đó, kẻ gian còn lợi dụng tình trạng lỏng lẻo trong quản lý tài khoản, thiếu sót trong xác thực thông tin cá nhân chủ tài khoản để có thể mở tài khoản “ảo” và lừa đảo khách hàng. Ngoài ra, việc thiếu điều tra đến tận cùng các vụ việc lừa đảo cũng góp phần khiến các đối tượng lừa đảo “nhờn” pháp luật.
Do đó, ông Đức cho rằng, để hạn chế tình trạng này, không chỉ các tổ chức tài chính tiếp tục cảnh báo người dùng về các hành vi lừa đảo có thể xảy ra mà các cơ quan chức năng cần nâng cao việc thực thi quy định mở và quản lý các tài khoản giao dịch để truy vết ngay khi phát sinh tố cáo lừa đảo. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh điều tra các vụ việc lừa đảo và xử lý nghiêm vi phạm để có tính răn đe.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu