Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam |
Các doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang triển khai thực hiện chủ trương này. Theo đó, các DN vận tải biển, trong đó có Tổng công ty đang dần dần điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải bằng việc đầu tư các hệ tầu mới (Eco Ship) thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải, tiết kiệm nhiên liệu. Việc dịch chuyển này nhằm hỗ trợ các DN dịch vụ logistics có thể tận dụng thế mạnh của quốc gia, chủ động đưa hàng hóa của các DN Việt Nam đi các thị trường, đáp ứng yêu cầu mới về tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển này đang gặp một số trở ngại, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ cơ chế, chính sách hỗ trợ DN dịch chuyển xanh hiện hành chưa thực sự rõ ràng, mà chủ yếu vẫn là kêu gọi, khuyến khích. Đơn cử như cơ chế đầu tư của các DN nhà nước, nhất là ở những hợp đồng đầu tư lớn thường gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam lại có rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển đội tàu vận tải biển tương xứng giúp DN logistics trong nước tận dụng các cơ hội hội nhập đang mở ra, nếu không, một phần rất lớn lợi nhuận sản xuất trong nước sẽ rơi vào DN vận tải nước ngoài.
Để thay đổi công nghệ với việc đầu tư tàu Eco Ship nâng cao sức cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam, theo tôi, rất cần “đả thông” được cơ chế giúp cho các DN logistics Việt Nam có cơ hội, có điều kiện dịch chuyển xanh một cách dễ dàng, thuận lợi. Việc sử dụng công nghệ xanh cho các đội tàu cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ DN logistics thích ứng tốt hơn trước những diễn biến của giá nhiên liệu.