Cận cảnh cổ phiếu thép lọt danh sách UPCoM Premium

Trong danh sách 44 cổ phiếu lọt bảng cổ phiếu “hạng sang” của sàn UPCoM và được giao dịch ký quỹ theo dự kiến của CTCK BIDV (BSC), có 3 gương mặt của ngành thép. Đó là CTCP Thép Nhà Bè (TNB), CTCP Thép Vicasa (VCA) và CTCP Thép Thủ Đức (TDS). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, nhưng hiệu quả kinh doanh không nhỏ.

Nhỏ mà hiệu quả

Thép Thủ Đức (TDS) có vốn điều lệ 122,25 tỷ đồng, quý I/2016, Công ty đạt doanh thu thuần xấp xỉ 450 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Trong kỳ, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 5,8 tỷ đồng, tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước.

TDS cho biết, nền kinh tế trên đà phục hồi tốt, thị trường bất động sản sôi động trở lại đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thép. Quý I, Công ty đã tiêu thụ được 42.679 tấn thép, tăng 43,42% so với cùng kỳ. Việc giá phôi thép trên thị trường thế giới đã tác động tích cực đến doanh thu trong kỳ của Công ty.

Từ năm 2015, TDS đã đầu tư máy đóng bó thành phẩm thép cán, giúp giảm chi phí đai thép đóng bó thành phẩm; đồng thời, lắp đặt hệ thống điều khiển tự động chương trình nấu luyện nhằm giảm tiêu hao điện năng, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất. Năm qua, TDS đạt doanh thu 1.585,4 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 55 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với năm 2014. Mục tiêu của TDS trong năm 2016 là sản xuất 160.000 tấn phôi thép và 130.000 tấn thép cán, đạt lợi nhuận 25 tỷ đồng.

CTCP Thép Vicasa (VCA) cũng có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh, với doanh thu thuần 390 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2015; lãi sau thuế đạt 4,12 tỷ đồng. Năm 2015, VCA đạt 38,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 151,8 tỷ đồng, đảm bảo mức cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15% cho cổ đông và Công ty vừa thực hiện trả cổ tức trong tháng 5.

Năm 2016, VCA đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.252,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, cổ tức 11%. Theo kế hoạch, trong năm nay, Công ty cải tạo nâng cấp máy đúc liên tục, mâm từ xưởng cán và xe nâng 7 tấn nhằm khởi công xây dựng dự án mới với tổng giá trị đầu tư 10,3 tỷ đồng. 

Đối với CTCP Thép Nhà Bè (TNB), mặc dù lợi nhuận quý I của Công ty sụt giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng so với gần 9 tỷ đồng cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là giai đoạn Công ty đang đẩy mạnh đầu tư dự án mới Xưởng luyện thép (Nhơn Trạch, Đồng Nai) có công suất 150.000 tấn/năm và tổng mức đầu tư 510 tỷ đồng. Năm 2015, sản lượng sản xuất thép cán của TNB đạt 118.347 tấn, hoàn thành 131,5% kế hoạch, sản lượng tiêu thụ đạt 112.821 tấn, đạt 125,36% kế hoạch; doanh thu đạt 1.234,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 56,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 255 tỷ đồng.

Năm 2016, TNB đặt kế hoạch doanh thu 1.313 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng. Để giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào, TNB đã có giải pháp đấu thầu cạnh tranh cung cấp phôi thỏi, chủ động nguồn phôi thỏi bằng việc đầu tư dây chuyền luyện thép...

So sánh với các DN cùng ngành trên UPCoM, ngay cả với công ty mẹ VNSteel, TDS, VCA và TNB có hiệu quả kinh doanh tốt hơn hẳn. Cụ thể, VNSteel có vốn điều lệ 6.780 tỷ đồng, nhưng quý I/2016 chỉ lãi sau thuế 11,76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 99,15 tỷ đồng. Trong khi đó, người anh em khác là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) dù có lợi nhuận quý I là 53,2 tỷ đồng, nhưng vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 135 tỷ đồng.

Kinh doanh khá hiệu quả, nhưng thanh khoản của TNB, VCA và TDS đều khá thấp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, thị giá của cổ phiếu TNB, VCA và TDS lần lượt ở mức 8.400 đồng/CP; 9.600 đồng/CP và 12.700 đồng/CP. 

Tiếp tục hưởng lợi từ thị trường

Những tháng đầu năm 2016, ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu, đặc biệt là thép Trung Quốc giá rẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, đến nay, thị trường thép đã có sự phục hồi tích cực, sức cầu tăng, giá thép trong nước cũng tăng theo. Các doanh nghiệp sản xuất thép đều đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng sắt thép thô đạt 1.881,8 nghìn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2015; thép cán đạt 1.981,2 nghìn tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2015; thép thanh, thép góc đạt 1.960 nghìn tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Những kết quả tích cực này một phần được hỗ trợ bởi việc Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. Theo đó, quy định cụ thể mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với các sản phẩm bị điều tra từ 4 quốc gia/vùng lãnh thổ trên từ 14/5/2016 đến 6/10/2019.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2016, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dự báo, toàn ngành sẽ tăng trưởng khoảng 15% so với năm vừa qua. Trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 15%, phôi thép 10%, thép lá cuộn cán nguội 13%, thép ống hàn 18% và tôn mạ và sơn phủ màu là 15%. Trong bối cảnh đó, TNB, VCA và TDS tiếp tục được hưởng lợi.          

Chuyên đề