Cải thiện Môi trường kinh doanh 5 tháng đầu năm 2019: Những nỗ lực không đều

(BĐT) - Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong 5 tháng đầu năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) hoàn thiện trình Chính phủ cho thấy, việc thực hiện các cải cách nhằm cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh không thực sự có nhiều chuyển biến, thậm chí một số trường hợp mang tính hình thức.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều bộ, ngành trễ hạn

Dự tính Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm nay sẽ có sự thăng hạng đáng kể trong bảng xếp hạng Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới (công bố vào tháng 10/2019). Lý do là, trong suốt thời gian qua, đơn vị chịu trách nhiệm cải thiện chỉ số và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực. Cụ thể, Bộ KH&ĐT chỉ đạo các phòng đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng gộp 4 bước thủ tục (đăng ký thành lập doanh nghiệp; thông báo mẫu con dấu; khắc dấu; mở tài khoản ngân hàng) thành 1 bước thủ tục. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 37/2017/TT-BTC rút ngắn thời gian đăng ký tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 2 ngày; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực thi, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định…

Tương tự, Chỉ số cấp phép xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì dự tính tiếp tục có sự thăng hạng đáng kể khi những nỗ lực cải cách đang được tích cực thực hiện. Đây có thể coi là những điểm sáng đáng chú ý trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, Báo cáo cũng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 02 vẫn còn thiếu đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương.

Về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02, qua tổng hợp báo cáo các đơn vị gửi về tính đến ngày 28/5/2019, Bộ KH&ĐT cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ phải hoàn thành tài liệu hướng dẫn trong quý I/2019. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một số ít bộ ban hành đầy đủ tài liệu hướng dẫn đúng hạn (Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp); còn lại ban hành chậm hơn hoặc thậm chí chưa ban hành.

Nghị quyết 02 giao cho 5 bộ xây dựng tài liệu hướng dẫn về 7 bộ chỉ số. Đến nay, có 4/5 bộ hoàn thành. Cùng với đó, Nghị quyết cũng giao cho 15 bộ, ngành chủ trì chịu trách nhiệm đối với 88 chỉ số trọng tâm. Hiện có 7/15 bộ, ngành (tỷ lệ 46,7%) hoàn thành tài liệu hướng dẫn đối với 47/88 chỉ số thành phần (đạt 53,4%).

Đại diện Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc ban hành chậm hoặc chưa ban hành tài liệu hướng dẫn gây lúng túng và khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng kế hoạch hành động. Điều đó dẫn tới thực tế là các địa phương vẫn phải ban hành kế hoạch hành động để đảm bảo đúng hạn, nhưng nội dung không sát với yêu cầu; kế hoạch được ban hành mang tính hình thức hơn là đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực thực thi.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được như báo cáo

Hiện Bộ KH&ĐT đang thực hiện nghiên cứu, đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp (DN) của những cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) do các bộ, ngành thực hiện. Qua rà soát sơ bộ về chất lượng cắt giảm ĐKKD cho thấy, số ĐKKD cắt giảm thực chất, thực sự tạo thuận lợi cho DN chưa đạt được kết quả như báo cáo của các bộ. Cụ thể, trong tháng 5/2019, Văn phòng Chính phủ tổng hợp kết quả và báo cáo các bộ chính thức cắt giảm 3.425/6.191 ĐKKD, đạt 110,6% so với yêu cầu. Trên thực tế, DN vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ban hành nghị định sửa các nghị định về ĐKKD khi thực hiện yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD còn chậm.

Cũng tại Nghị quyết 02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách ĐKKD đã thực hiện trong năm 2018, nhưng hiện chỉ có một số ít bộ đăng tải công khai các ĐKKD sau khi cắt giảm. Hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương, đơn vị, DN, cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này.

Về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, Báo cáo cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ này chưa có chuyển biến rõ ràng nào được ghi nhận. Đáng chú ý là có văn bản được ban hành với mục tiêu báo cáo thành tích hơn là cải cách thực chất cho DN. Đơn cử, ngày 29/3/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 765/QĐ-BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, trong đó có hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may. Tuy vậy, nội dung trong quyết định này không phải là cắt giảm danh mục, chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan, mà chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Cách đặt tên của quyết định này làm dấy lên lo ngại về “bệnh thành tích”, đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để việc thực hiện Nghị quyết 02 đi vào thực chất, mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng DN, Bộ KH&ĐT tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như: tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi…     

Chuyên đề