Khi nền kinh tế có tính cạnh tranh, các DN trở nên hiệu quả hơn, đem lại nhiều hơn phúc lợi cho người tiêu dùng và xã hội. Ảnh: Nhã Chi |
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, cần thiết lập được khung chính sách cạnh tranh có chất lượng cao hơn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường
Đánh giá về thực trạng chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, cơ quan soạn thảo Đề án cho rằng, hệ thống luật pháp và các chính sách liên quan đang tạo ra nhiều rào cản gia nhập thị trường cho DN. Điều này được phản ánh qua vị trí xếp hạng của Việt Nam về khởi sự kinh doanh tại Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới vẫn thấp so với các quốc gia trên thế giới (xếp thứ 123/190 nước).
Vẫn tồn tại khá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh làm cản trở cạnh tranh, giảm động lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế.
Đáng nói hơn cả là các quy định về điều kiện kinh doanh với nhiều điểm bất hợp lý đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như: Tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho DN.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Đề án, chính sách cạnh tranh của Việt Nam đã được đưa ra so sánh với các tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Kết quả cho thấy, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam vẫn còn thấp, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Biểu hiện rõ nhất là cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các DN khác chưa bảo đảm công bằng, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tín dụng, đất đai, tài nguyên...
Cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia
Với việc tiếp cận chính sách cạnh tranh một cách tổng thể, bao gồm các chính sách, pháp luật về kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và các chính sách phát triển thị trường, Dự thảo Đề án đề cập tổng thể về các cơ chế, chính sách có khả năng tác động đến cạnh tranh thị trường trong nền kinh tế.
Dự thảo Đề án gồm 4 phần. Phần thứ nhất trình bày khung chính sách cạnh tranh quốc gia trong một nền kinh tế thị trường. Phần thứ hai đánh giá thực trạng cạnh tranh và chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, trong đó khái quát những kết quả đạt được và xác định những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Phần thứ ba đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia. Phần thứ tư là tổ chức thực hiện.
Để khắc phục những tồn tại, cải cách tổng thể hệ thống chính sách cạnh tranh quốc gia hiện nay, Dự thảo Đề án đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể là, rà soát, giảm thiểu các rào cản thể chế đối với việc gia nhập thị trường theo hướng đơn giản hóa tối đa, cắt giảm các chi phí không cần thiết cho DN để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong tất cả các ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Trước mắt, tập trung rà soát các quy hoạch, kế hoạch, các điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề… Còn trong dài hạn, thực hiện rà soát toàn bộ những quy định pháp luật, những văn bản hành chính và loại bỏ hoàn toàn những quy định đang cản trở hoặc có nguy cơ hạn chế cạnh tranh.
Chuyển đổi vai trò của Nhà nước từ vị thế một nhà đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sang vị thế chủ thể điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường phát triển và vận hành. Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm sự nhất quán hơn giữa các quy định áp dụng đối với DNNN và DN tư nhân, giữa DN nước ngoài và DN tư nhân trong nước, nhất là chính sách bình đẳng về thuế và chính sách tiếp cận đất đai.
Đặc biệt, thiết lập một cơ chế xử lý khiếu nại của DN về các hành vi vi phạm nguyên tắc trung lập về cạnh tranh để các quy định có thể được thi hành nghiêm túc trên thực tế.