Cải cách, kiến tạo và quyết liệt hành động

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016 - 2021...
Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021 hướng đến mục tiêu lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Huyền Trang
Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021 hướng đến mục tiêu lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Huyền Trang

Bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục cho thấy tinh thần quyết liệt hành động, cải cách mạnh mẽ. Với 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, bao quát các chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ KH&ĐT, Chương trình hành động này hướng đến mục tiêu chính là góp phần xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp (DN) làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.  

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Một trong những thông điệp quan trọng của người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này là tạo lập một Chính phủ kiến tạo, xây dựng chính sách, thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi để cho các thành phần kinh tế phát triển, không phải bằng mệnh lệnh hành chính… Theo tinh thần này, Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT đặt công tác xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, với nhiều hành động cụ thể được đặt ra để tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&ĐT xác định 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Trong đó, tiếp tục đề xuất sửa đổi các luật, pháp lệnh liên quan đến đầu tư, kinh doanh; rà soát, báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật liên quan; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư.

Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường như thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, lao động, khoa học và công nghệ,…, bảo đảm tôn trọng quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. 

Luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính phủ nhiệm kỳ này đã có những thông điệp và hành động cụ thể để nâng cao vai trò của DN, tạo bệ đỡ cho DN phát triển. Trong guồng chung ấy, Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản đối với DN,  phát triển kinh tế tập thể; thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Bộ KH&ĐT xác định hỗ trợ DN với phương châm “luôn sát cánh, đồng hành cùng DN”; kiên quyết đề nghị xóa bỏ các giấy phép con không phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải được lượng hóa tối đa và công khai, minh bạch, khả thi. Các khó khăn của DN sẽ thường xuyên được lắng nghe, tháo gỡ kịp thời thông qua các cuộc đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng DN.

Bộ cũng xác định nhiệm vụ phải tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN…; có cơ chế tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ huy động được các nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng ngân hàng; phối hợp nghiên cứu sửa đổi quy chế bảo lãnh tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhiều lần nhấn mạnh, bên cạnh huy động nguồn lực, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&ĐT xác định nhiệm vụ phải tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm chuẩn bị dự án, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, thẩm định quyết định đầu tư chương trình, dự án; lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Áp dụng các tiêu chí đầu tư xanh trong quá trình sàng lọc, phân bổ và giám sát các dự án đầu tư. Tăng cường các giải pháp chống đầu tư phân tán, dàn trải; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất các giải pháp mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, phải thực hiện bằng các hành động cụ thể như xây dựng và hoàn thiện khung chính sách đồng bộ, thống nhất để đầu tư theo hình thức PPP; đảm bảo cân đối và bố trí từ ngân sách nhà nước làm phần vốn đầu tư của Nhà nước trong các dự án PPP để triển khai thành công các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng được Chính phủ ưu tiên đầu tư theo mô hình PPP…

Song song với đó là hoàn thiện các chính sách về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường; hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;...

Chuyên đề