Cách nào chống thất thoát khi triển khai dự án BT?

(BĐT) - Kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là một trong những giải pháp quan trọng nhằm huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, hình thức này cũng xuất hiện khá nhiều bất cập cần được “mổ xẻ”, tìm hướng khắc phục trong thời gian tới.
Để tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BT, cần đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Ảnh: Tiên Giang
Để tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BT, cần đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Ảnh: Tiên Giang

Cần quy định chặt chẽ

Trong khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đang bớt dần hấp dẫn do việc siết chặt quy định về vốn đầu tư cũng như lộ trình giảm giá phí thì đầu tư theo hình thức hợp đồng BT lại thu hút nhiều doanh nghiệp. Khác với BOT là doanh nghiệp phải chờ hàng chục năm thu phí, nhà đầu tư BT ngay khi dự án hoàn thành được hưởng quỹ đất đối ứng có thể đầu tư bất động sản, xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, thậm chí bán và thu ngay được vốn đầu tư.

Hình thức này không mới. Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 90. Hình thức này sau đó được áp dụng ở rất nhiều địa phương. Ở Hà Nội, rất nhiều “đại gia” bất động sản nổi tiếng ở lĩnh vực này như Tập đoàn Nam Cường, Geleximco… và mới đây là Tasco đã dành nhiều sự quan tâm cho hình thức đầu tư này.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu kinh tế thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, trong khi ngân sách eo hẹp, Nhà nước thiếu vốn thì việc có cơ chế để huy động nguồn vốn xã hội như vậy là cần thiết.

Để tránh thất thoát, lãng phí trong các dự án triển khai theo hình thức này, ông Sơn cho rằng, cần tiến hành đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Từ việc đấu thầu công khai sẽ lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, còn nếu không sẽ rất dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại lo ngại trước thực trạng một số dự án BT được thanh toán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá đất khi dự án BT được hoàn thành, điều này làm thất thoát quỹ đất rất lớn.

“Tình trạng này xảy ra có nguyên nhân là từ khung pháp lý về đầu tư theo hình thức này chưa rõ ràng, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định không đầy đủ và các văn bản khác cũng không đề cập rõ”, đại biểu Hiền nói và cho rằng vấn đề này cần được xem xét sửa đổi trong Nghị định 15 và các văn bản có liên quan. 

Cần đấu thầu rộng rãi dự án BT

Một số dự án BT được thanh toán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá đất khi dự án BT được hoàn thành, đã làm thất thoát quỹ đất rất lớn. Tình trạng này xảy ra có nguyên nhân do khung pháp lý về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT chưa rõ ràng, các văn bản có liên quan cũng không đề cập rõ.
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, để áp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông, Bộ này đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 952.700 tỷ đồng, bao gồm 604.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 347.900 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước. Như vậy có thể thấy nguồn lực để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn. Vậy đâu là giải pháp để thu hút vốn vào hạ tầng giao thông?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), trong trung hạn, thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước đây khiến cho hoạt động không minh bạch, có thể đổi phương thức huy động vốn cho đầu tư công.

“Đó là nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công. Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong thì giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về và sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy vừa đầu tư được cho kết cấu hạ tầng, lại không làm tăng nợ công, mà vẫn đảm bảo minh bạch”, ông Thành gợi ý.

Còn trong dài hạn, ông Thành cho rằng, có thể nghĩ tới cải cách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản, để đầu tư hạ tầng tại địa phương, bên cạnh đó cần cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Một số ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng hình thức BT ở một số địa phương, không nên áp dụng ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi có quỹ đất eo hẹp và giá trị đất cao. Đặc biệt, không nên áp dụng chỉ định thầu đối với những dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Đồng thời, cần có chính sách tăng cường thu hút vốn ngoại để thực hiện các dự án PPP nói chung và dự án BT nói riêng. Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư ngoại tìm đến các dự án hạ tầng giao thông mong muốn hợp tác nhưng vẫn chưa có bất cứ “thương vụ” nào thành công, nguyên nhân được lý giải chủ yếu là do chính sách.

Chuyên đề