Các ngân hàng trung ương đối mặt với áp lực cắt giảm lãi suất năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi bước vào năm 2023 trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tạm dừng việc thắt chặt chính sách trong nửa cuối năm. Giờ đây, với tỷ lệ lạm phát chung đang giảm dần ở phần lớn các quốc gia và nền kinh tế thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc cắt giảm lãi suất đang ngày càng gia tăng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics cho biết: "Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ giảm sâu hơn mức các ngân hàng trung ương mong đợi". Ông Neil Shearing lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế đang suy yếu, trong khi những tác động do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra đang dần được giải quyết.

"Chính sách hiện khá hạn chế, có nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể nới lỏng mà không nhất thiết phải hỗ trợ tăng trưởng. Hãy nghĩ điều đó giống như việc nhả phanh một chút thay vì nhấn ga", ông Neil Shearing nhận xét.

Giới đầu tư đang đặt cược rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3/2024, với 5 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm. ECB và BoE được dự báo hạ lãi suất 6 lần trong năm 2024, bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Trong khi đó tại cuộc họp tháng 12/2023, các quan chức Fed kỳ vọng, lãi suất quỹ liên bang - hiện ở mức cao nhất trong 22 năm - sẽ được cắt giảm 0,75 điểm phần trăm trong 12 tháng tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell không bác bỏ những kỳ vọng của thị trường về việc lãi suất sẽ cắt giảm mạnh vào năm 2024. Đồng thời, ông Powell cho biết, Fed "nhận thức được rủi ro của việc giữ lãi suất ở mức cao quá lâu".

Giới hoạch định chính sách sau đó đã cố gắng bác bỏ những suy đoán của thị trường về việc Fed sẽ hạ lãi suất sớm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có vẻ tin tưởng rằng ngân hàng trung ương này đã làm đủ để có thể bắt đầu nới lỏng.

Tomasz Wieladek, chuyên gia kinh tế tại Công ty quản lý đầu tư T Rowe Price, cho biết: "Để đạt được 'hạ cánh mềm' và nâng cao khả năng duy trì thị trường việc làm ổn định trong khi lạm phát giảm, Fed cần thực hiện một cách tiếp cận hướng tới tương lai hơn đối với chính sách tiền tệ".

Ông lập luận rằng, chính sách tiền tệ sẽ vẫn nằm trong "vùng hạn chế" ngay cả sau đợt cắt giảm đầu tiên của Fed, đồng thời cho biết: "Diễn biến lạm phát hiện tại sẽ bảo đảm cho việc cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 3/2024".

Tuy nhiên, bằng cách cho phép nới lỏng các điều kiện tài chính, các ngân hàng trung ương có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng đồng thời tạo ra nguy cơ làn sóng lạm phát thứ hai. ECB và BoE có quan điểm "diều hâu" hơn Fed, khi cả hai ngân hàng trung ương này đều cho rằng còn quá sớm để nới lỏng chính sách trong cuộc chiến chống lạm phát.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống còn 2,4% trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 10% một năm trước đó và gần với mục tiêu 2% của ECB. Nhưng các nhà kinh tế vẫn cảnh giác với nguy cơ một đợt tăng giá cả mới. Theo khảo sát của Financial Times, phần lớn các nhà kinh tế được thăm dò dự kiến ​​ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II/2024.

"Tôi nghĩ rằng ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 6/2024. Các dữ liệu như tăng lương thỏa thuận, lương thưởng cho mỗi nhân viên và chi phí lao động trên đơn vị đều tiếp tục cho thấy lạm phát dai dẳng trong trung hạn", ông Tomasz Wieladek cho biết.

BoE cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi thừa nhận sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát sau khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh xuống 3,9% trong tháng 11/2023, giảm từ mức cao hơn 11% trong tháng 10/2022. Sự suy thoái của nền kinh tế cũng làm gia tăng áp lực đối với BoE.

Andrew Goodwin, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn Oxford Economics nhận định, CPI tháng 11 sẽ là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" đối với chính sách tiền tệ tại Anh. Ông Andrew Goodwin kỳ vọng, BoE sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 5/2024.

Chuyên đề