Ảnh Internet |
Theo báo cáo tóm tắt về dự báo kinh tế mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phần lớn các quan chức Fed tin rằng sẽ có tổng cộng 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Tuy nhiên, ngay cả khi những dự báo này đang tạo ra nhiều hứng khởi cho giới đầu tư, thì đó cũng không phải là một cú hích chắc chắn. Báo cáo tóm tắt của Fed lưu ý, dự đoán của các quan chức ngân hàng trung ương về lộ trình lãi suất trong tương lai "có sự không chắc chắn", bởi đánh giá của họ về chính sách tiền tệ phù hợp trong tương lai còn phụ thuộc vào cách nền kinh tế hoạt động. Nếu lạm phát tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các quan chức, Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm hoặc thậm chí tăng lãi suất.
Fed giữ nguyên lãi suất, dự kiến cắt giảm 3 lần trong năm 2024
Vậy, đâu là lý do để các quan chức Fed tin rằng có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới?
Nhìn lại những lần cắt giảm lãi suất gần đây
Lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất là khi đại dịch Covid-19 khởi phát. Trong một loạt cuộc họp khẩn cấp vào tháng 3/2020, Fed đã thực hiện bước đi chưa từng có là cắt giảm lãi suất 1,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức gần như bằng 0. Fed giải thích việc cắt giảm là cần thiết để chống lại những nguy hiểm mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế.
Trước đại dịch, Fed đã cắt giảm lãi suất vào năm 2019 khi xung đột thương mại Mỹ - Trung "nóng lên". Lần cắt giảm đầu tiên trong năm đó diễn ra vào tháng 7. Chủ tịch Fed Jerome Powell giải thích rằng, việc cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là cần thiết "trước những rủi ro khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu và sự không chắc chắn về chính sách thương mại. Bên cạnh đó là để giúp bù đắp những tác động mà những yếu tố này gây ra đối với nền kinh tế".
Ông Powell mô tả lần cắt giảm lãi suất đầu tiên và những lần tiếp theo trong năm đó là "những điều chỉnh giữa chu kỳ", nghĩa là đây không phải là sự khởi đầu của một đợt cắt giảm lãi suất kéo dài mà là một sự điều chỉnh nhỏ để định hướng lại nền kinh tế. Điều đó rất khác với những gì Fed sẽ làm "khi xảy ra suy thoái kinh tế hoặc suy thoái rất nghiêm trọng", ông Powell nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp tháng 7/2019 của Fed.
Chủ tịch Fed chịu áp lực phải đưa ra kế hoạch cắt giảm lãi suất
Tại sao Fed cắt giảm lãi suất?
Hai trường hợp cắt giảm lãi suất gần đây nhất nêu bật hai lý do chính khiến Fed hạ lãi suất cho vay chuẩn.
Justin Weidner - chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank cho rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất "khi có điều gì đó không ổn xảy ra trong nền kinh tế". Đó là tiền đề cho những đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu vào năm 2007, 2001 và 1990, đánh dấu sự khởi đầu của nhiều cuộc suy thoái khác nhau.
Theo Michael Gapen, người đứng đầu bộ phận kinh tế Mỹ tại Bank of America Securities, nếu các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang mất đà - hoặc sau các sự kiện như vụ 11/9 "có thể được cho là tạo ra điểm yếu trên toàn nền kinh tế", Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Cắt giảm lãi suất không phải lúc nào cũng do nguyên nhân xấu
"Nếu Fed cắt giảm lãi suất vào năm tới, rất có thể đó không phải là do có nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế hoặc nhu cầu bảo vệ trước nguy cơ suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Lần cắt này có thể khác với những lần khác", ông Michael Gapen nhận định. Theo quan điểm của ông, Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới do lạm phát đã tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này.
Ông Michael Gapen cho rằng, nếu mục tiêu lạm phát 2% thành hiện thực, mức lãi suất hiện tại của Fed là quá thắt chặt và gây trở ngại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng giống như Chủ tịch Fed, Deutsche Bank không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới. Nhóm chuyên gia tại ngân hàng này dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% vào quý III/2024 từ mức 3,7% ở hiện tại, do GDP thực tế suy giảm.
"Nếu điều này xảy ra thì đó là một kịch bản tồi tệ", ông Michael Gapen nhận xét và cho rằng, điều đó đáng để cắt giảm lãi suất.