Các dự án nông nghiệp, nông thôn Bình Dương: Vượt khó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết thúc quý I/2022, các dự án đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Bình Dương đạt hơn 30% kế hoạch vốn được giao. Đây là kết quả rất khả quan, nhưng để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch năm 2022, các cấp ngành, địa phương cần phải vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hệ thống thoát nước Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp - dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ngọc Tuấn
Hệ thống thoát nước Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp - dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương (gọi tắt là Ban Nông nghiệp tỉnh Bình Dương), trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã bố trí hơn 524 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho 8 dự án thoát nước, chống ngập (gồm 2 dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 6 dự án giai đoạn thực hiện). Trong quý I/2022, giá trị thực hiện gần 110 tỷ đồng, đạt 20,79%; giá trị giải ngân hơn 159 tỷ đồng, đạt 30,34% kế hoạch vốn được giao.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Nông nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm, đơn vị đã triển khai đồng bộ các dự án trong danh mục kế hoạch; tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện của từng dự án. Tập trung giải quyết vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch thi công các dự án. Chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân lực, làm tăng ca để đẩy nhanh tiết độ thi công trong mùa khô 2022. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thi công công trình; tổ chức nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành nhanh và đúng quy định về quản lý xây dựng. Ngoài ra, thực hiện nghiêm khâu giám sát thực hiện đầu tư, duy trì chế độ thông tin báo cáo và kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bình Dương hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn phát sinh. Đến nay, các dự án, gói thầu đang triển khai đạt kế hoạch.

Năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã bố trí hơn 524 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho 8 dự án thoát nước, chống ngập (gồm 2 dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 6 dự án giai đoạn thực hiện).

Ông Sơn cho biết, có 2 dự án trọng điểm của Tỉnh được đơn vị đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Dự án Nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai đang được khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công - dự toán, rà phá bom, mìn để chuẩn bị mặt bằng thi công. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ mời thầu và triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình đang được đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành trong quý II. Tháng 2/2022, Dự án được giao bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2021 - 2025 với mức đầu tư hơn 1.639 tỷ đồng.

Đối với Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, 6 trong số 8 gói thầu xây lắp đã được triển khai. Trong đó có 2 gói thầu được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, 4 gói thầu đang được triển khai, khối lượng thực hiện đạt từ 55 - 85% giá trị hợp đồng.

Lãnh đạo Ban Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I khả quan, tạo bước chạy đà tốt để hoàn thành giải ngân vốn kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2022, đơn vị cũng phải đối mặt với các khó khăn, vướng mắc chung. Đó là, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (lưới điện, đường ống cấp thoát nước).

Hiện tại, một số dự án ở giai đoạn thực hiện như: Hệ thống thoát nước Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; Đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn Ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức (từ Ngã ba Cống đến cầu Bà Hên); Xây dựng kiểm soát triều rạch Bình Nhâm; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa đều vướng mặt bằng ở các mức độ khác nhau.

Ông Vũ Tiến Sơn cho biết, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc duy trì công tác phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng có hiệu quả như thời gian qua, đơn vị sẽ thực hiện tốt khâu lập, trình thẩm định hồ sơ, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn có năng lực, kinh nghiệm. Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng các hồ sơ dự án, thiết kế nhằm hạn chế sai sót và phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm. Đồng thời, luôn bám sát hiện trường để chỉ đạo, phối hợp với các nhà thầu giải quyết nhanh các khó khăn phát sinh trong công tác thi công… Năm 2021, tỷ lệ giải ngân của đơn vị đạt 99,6% kế hoạch và trong năm 2022 sẽ phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Chuyên đề